+
Aa
-
like
comment

“Báo động đỏ” khủng hoảng năng lượng ở Châu Á

Lan Hoa - 06/07/2022 17:07

Tại nhiều quốc gia Châu Á, giá năng lượng tăng cao đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Người dân xếp hàng dài để mua dầu hỏa tại một trạm xăng ở Colombo, Sri Lanka

Ngày 25/6, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cho biết, quốc gia này gần như cạn kiệt xăng và dầu diesel sau khi một số chuyến hàng dự kiến bị trì hoãn vô thời hạn. Cùng với đó, các lô hàng dầu mỏ đến hạn vào tuần trước đã không xuất bến và cả những đơn hàng dự kiến đến vào tuần tới cũng sẽ không đến được Sri Lanka vì lý do “ngân hàng và hậu cần”.

Sri Lanka đang đối mặt tình trạng thiếu ngoại hối nghiêm trọng để chi trả ngay cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất, gồm thực phẩm, thuốc men và xăng dầu, và quốc gia này đang kêu gọi các khoản tài trợ quốc tế. Theo Bộ trưởng, tập đoàn dầu khí Ceylon (CPC) do nhà nước điều hành không thể cho biết khi nào nguồn cung dầu mới sẽ có trên đảo quốc này. CPC cũng đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất của mình do thiếu dầu thô.

Hiện hàng trăm ngàn chủ xe mất rất nhiều thời gian xếp hàng chờ mua xăng dầu ở khắp đảo quốc 22 triệu dân này. Tuần trước, Chính phủ Sri Lanka đã đóng cửa các cơ sở giáo dục không thiết yếu của nhà nước cùng với các trường học trong hai tuần để giảm lượng người đi làm vì khủng hoảng năng lượng. Một số bệnh viện trên khắp cả nước cho biết số lượng nhân viên y tế có mặt giảm mạnh do tình trạng thiếu nhiên liệu khiến họ không thể đến nơi làm việc.

Người dân xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo, Sri Lanka ngày 15/5. Ảnh: AFP

Trong khi đó, tại Bangladesh, các cửa hàng đóng cửa lúc 8 giờ tối để tiết kiệm điện. Ở Ấn Độ và Pakistan, tình trạng mất điện buộc các trường học phải đóng cửa, các cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động và người dân sống trong cảnh ngột ngạt khi không có điều hòa trong cái nắng với nhiệt độ lên tới 100 độ F (37 độ C).

Tại Pakistan, Bộ trưởng Thông tin Marriyum Aurangzeb cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Trường học, nhà máy đóng cửa, nhân công được yêu cầu nghỉ thứ sáu trong ba tháng”.

Ngay cả ở những quốc gia phát triển, chẳng hạn như Australia, những lo ngại về kinh tế cũng đang khởi phát khi người tiêu dùng phải gánh chịu chi phí năng lượng cao hơn. Giá điện trong quý I/2022 của Australia tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái, các hộ gia đình đang bị thúc giục cắt giảm sử dụng điện.

Australia đối mặt với nguy cơ thiếu điện

Ngày 15-6, Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Australia (AEMO) thông báo đóng cửa một số thị trường điện giao ngay ở trong nước để kịp thời ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng.

Những vấn đề trên chỉ là một vài trong số nhiều vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi các quốc gia khác nhau phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều năm và gánh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt năng lượng chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine.

Trong đại dịch, mức tiêu thụ năng lượng giảm hơn 3% trong quý I-2020 khi đóng cửa các nhà máy, và hạn chế các phương tiện di chuyển… Nhưng giờ đây, nhu cầu năng lượng lại tăng vọt, bất ngờ đẩy giá than, dầu và khí đốt lên mức cao kỷ lục.

Đặc biệt, cuộc chiến Nga – Ukraine chính là tác nhân lớn nhất đã đẩy giá nguyên, nhiên liệu tăng mạnh. Bởi vì Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 và nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, đang bị Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây trừng phạt, càng làm cho nguồn cung dầu khí bị hạn chế.

Vậy tại sao Châu Á phải hứng chịu cuộc khủng hoảng này?

Dù tình trạng giá nhập khẩu năng lượng đã tăng đột biến xảy ra trên toàn cầu nhưng một số quốc gia châu Á lại là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi Châu Á chính là nơi phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, mà giờ đây giá than đá quốc tế đã tăng gấp 5 lần và giá khí đốt tự nhiên tăng gấp 10 lần so với năm ngoái.

“Nếu là một quốc gia, đặc biệt là một nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka – nơi phải nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên, việc này thực sự khó khăn. Họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn rất nhiều để mua những thứ mình cần, trong khi những thứ họ bán không tăng giá”, trưởng kinh tế học Mark Zandi tại Moody’s Analytics nhận xét.

Nam Á là khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất do cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Á

Theo học giả Antoine Halff tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, các nước nghèo vẫn đang phát triển hoặc mới công nghiệp hóa đơn giản là ít có khả năng cạnh tranh với các đối thủ giàu có và họ càng cần nhập khẩu nhiều thì vấn đề càng nghiêm trọng.

“Đây chính là trường hợp của Pakistan và Sri Lanka. Họ không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá cả leo thang mà còn ảnh hưởng bởi nguồn cung hạn chế. Họ phải trả nhiều hơn để mua năng lượng và tại một số quốc gia như Pakistan, đây thực sự là khoảng thời gian chật vật để tìm nguồn cung năng lượng”, ông Antoine nhận định.

Tác động tiêu cực lên hệ sinh thái toàn cầu…

Tình trạng thiếu hụt năng lượng đã và đang tác động nghiêm trọng tới nhiều quốc gia ở Châu Á. Tình hình khủng hoảng khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này suy giảm mạnh do đình trệ sản xuất, giảm giờ làm và ngày làm việc để ứng phó với tình trạng thiếu điện. Nguy hiểm hơn, do thiếu điện trên diện rộng, nhiều quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu than. Điều này có nguy cơ làm trầm trọng tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tại Australia, Ủy ban An ninh Năng lượng của chính phủ liên bang đã đề xuất tất cả các nhà máy phát điện, bao gồm cả nhà máy nhiệt điện chạy than, phải tăng công suất phục vụ lưới điện quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện. Tại Ấn Độ, quốc gia 1,3 tỷ dân, phụ thuộc vào khoảng 70% năng lượng than, quyết định tăng nhập khẩu than của chính phủ có thể còn gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn đến hệ sinh thái toàn cầu.

Việc khai thác và sử dụng than đá là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường

Ông Sandeep Pai, Trưởng nhóm nghiên cứu cao cấp của Chương trình Năng lượng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Việc các quốc gia tăng cường nhập khẩu than trong bối cảnh giá dầu, khí tăng cao là một phản ứng tạm thời đối với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu trong một hoặc hai năm tới, các quốc gia này tiếp tục phụ thuộc vào than để sản xuất điện thì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu”.

Có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm chao đảo từ châu Âu sang châu Á, với các nhiên liệu để phát điện như propane, dầu diesel và dầu nhiên liệu bị “cháy” nhu cầu. Goldman Sachs dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ dầu thô gia tăng vào cuối năm nay, trong khi Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty quốc doanh đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông bằng mọi giá.

Theo Financial Times, các hợp đồng khí đốt châu Á giao trong tháng 5 đã tăng giá 23% lên 117,50 Euro/megawatt giờ, do khả năng thiếu hụt nguồn cung vào mùa hè tới. Trong khi đó, giá nhiên liệu tại Châu Á đã tăng vọt trong hai tháng qua. Giá nhiên liệu tăng kéo thị trường trái phiếu đi xuống, cho thấy thiệt hại kinh tế từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Á sẽ còn lan rộng.

Lan Hoa 

Bài mới
Đọc nhiều