+
Aa
-
like
comment

Luật trật tự ATGT đường bộ: bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông

18/02/2022 17:07

Đó là nhận định của một số đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” vừa được Bộ Công an tổ chức tại Học viện CSND.

Hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thể hiện sự quan tâm và quyết tâm giải quyết triệt để, mạnh mẽ hơn trật tự, an toàn giao thông đường bộ – một trong những vấn đề nổi cộm và gay gắt hiện nay. Do vậy, dưới góc nhìn của người tham gia giao thông, việc tập trung giải quyết vấn đề này, trước hết từ khía cạnh xây dựng pháp luật là phù hợp và cần thiết. Trong đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông. Đây là điều cần được ghi nhận vì mục tiêu và lợi ích tốt đẹp cho người dân và xã hội.

CSGT Hà Nội hướng dẫn người dân tham gia lưu thông trên đường để tránh ùn tắc những ngày sau Tết.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng nhấn mạnh, Dự án Luật đã bổ sung nhiều điểm mới góp phần đảm bảo tính pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền cũng như người tham gia giao thông như: Luật hoá các quy tắc giao thông đường bộ, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông; các biện pháp tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; các biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cơ quan Công an…

Bên cạnh đó, đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, Dự thảo Luật đã xác định rõ trách nhiệm Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phù hợp với thực tiễn Cảnh sát giao thông đang là lực lượng chủ lực trong quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, để đảm bảo tính khả thi của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự án luật cần đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong các quy định; đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong công tác quản lý; hạn chế phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và đảm bảo sự nghiêm minh trong thực hiện.

Nhìn nhận vấn đề xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay, dưới góc tiếp cận quyền con người, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần phải làm rõ mối quan hệ giữa chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó chủ thể có nghĩa vụ là nhà nước. Đồng thời chủ thể quyền là mọi người tham gia giao thông.

Trong đó quyền quan trọng nhất của người tham gia giao thông là được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, bí mật đời tư… Tiếp cận quyền con người trong xây dựng luật bên cạnh quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước thì cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ; đặc biệt cần liệt kê các hành vi cấm nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền lực trong quá trình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có thể dễ dẫn tới vi phạm quyền và tự do của người tham gia giao thông. Hay phải dựa trên cơ sở nhân đạo, bảo vệ quyền của cả người gây tai nạn và người bị hại. Cần cụ thể hoá nghĩa vụ của lực lượng thực thi công vụ, trước hết là Cảnh sát giao thông từ khâu tin báo, đến quá trình xử lý, giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan…

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều