+
Aa
-
like
comment

Báo CNN: Có lẽ Châu Á đã đúng về việc đeo khẩu trang

Sơn Ca - 03/04/2020 07:46

Theo CNN, trong khoảng thời gian tới, chính phủ nhiều nước sẽ bắt đầu khuyên người dân sử dụng khẩu trang để phòng dịch COVID-19.

CNN: Từ "không cần đeo khẩu trang" tới bước ngoặt chiến lược trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Mỹ

Những quốc gia châu Á đã thực hiện điều này ngay từ những ngày đầu và hiện tại đa số đều có tỉ lệ lây nhiễm thấp cũng như kiểm soát đại dịch nhanh chóng hơn các nước châu Âu.

Tại nhiều nơi trên thế giới, thông điệp này có thể sẽ khiến nhiều người bối rối. Các cơ quan y tế, truyền thông và chính trị gia tại một số nước đã dành nhiều tuần để khẳng định rằng đeo khẩu trang không có tác dụng và thay vào đó yêu cầu mọi người nên tăng cường rửa tay, thực hiện giãn cách xã hội.

Cuối tháng 2, Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams viết trên Twitter cá nhân: “ĐỪNG MUA KHẨU TRANG NỮA! Khẩu trang KHÔNG hiệu quả trong việc phòng tránh virus corona. Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế không có khẩu trang để chăm sóc cho bệnh nhân, họ và cộng đồng có thể gặp nguy hiểm”. Dòng tweet này của ông đã được đăng lại hơn 43.000 lần.

Cùng tuần đó, Robert Redfield, giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã có buổi đối thoại với những nhà lập pháp. Khi được hỏi liệu người dân có nên đeo khẩu trang không, ông trả lời thẳng thừng: “Không”.

Tuy nhiên, hiện tại ông Redfield dường như đã thay đổi quan điểm. Trả lời NPR ngày 31/1, ông Redfield cho biết CDC đang đánh giá lại hướng dẫn phòng dịch và có thể sẽ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang để phòng chống lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Các tổ chức lớn, như WHO, cũng sẽ nhanh chóng thực hiện điều này.

01. Điểm mấu chốt trong phòng dịch

Tháng trước, Adrien Burch, một chuyên gia về vi sinh vật tại Đại học California, Berkeley, nhấn mạnh rằng: “Mặc dù nhiều người nói rằng đeo khẩu trang ‘không có tác dụng’, nhưng chẳng ai có bằng chứng rõ ràng cho điều đó. Đơn giản bởi vì không có bằng chứng nào như vậy cả”.

Trên thực tế, có những bằng chứng chứng minh điều ngược lại rằng khẩu trang có tác dụng lớn trong việc đối phó với dịch bệnh.

Ông Burch trích dẫn một nghiên cứu của Cochrane Review cho thấy khẩu trang có tác dụng lớn trong đại dịch SARS năm 2003. Một nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm của Bắc Kinh cho thấy “thường xuyên đeo khẩu trang đã giúp giảm tới 70% nguy cơ bị nhiễm SARS”.

SARS, cũng như COVID-19, là loại bệnh về đường hô hấp gây ra bởi nhóm virus corona.

Mặc dù SARS xuất hiện trên khắp thế giới, nhưng những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất là châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và đặc khu Hồng Kông. Kinh nghiệm chống SARS có thể được thấy ngay từ những ngày đầu đại dịch COVID-19 bùng phát ở châu Á. Khi có thông tin về hình thức virus lây lan, mọi người đã ngay lập tức đeo khẩu trang để đề phòng bệnh.

Mặc dù các nước phương Tây vẫn lạ lẫm với hình ảnh đó, và cho rằng châu Á “quá ảm ảnh” với khẩu trang, thì chiến lược này đã góp phần không nhỏ giúp các nước châu Á phòng dịch.

Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, khu vực Đài Loan đã thành công trong việc kiềm chế đại dịch nhờ việc sử dụng khẩu trang. Trong khi đó, người dân tại châu Âu và Mỹ vẫn sử dụng hạn chế hoặc không có đủ khẩu trang để sử dụng.

Trả lời CNN, Ivan Hung, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Hồng Kông cho biết: “Nếu nhìn vào số liệu ở Hồng Kông, có thể thấy đeo khẩu trang là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình khống chế dịch bệnh”.

“Khẩu trang không chỉ giúp làm giảm số ca lây nhiễm virus corona, mà nó còn giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm cúm. Trên thực tế, hiện tại là mùa cúm, nhưng chúng tôi có rất ít ca nhiễm cúm. Điều đó là bởi vì khẩu trang không chỉ bảo vệ người đeo khỏi virus corona mà còn ngăn ngừa nhiều loại virus khác, bao gồm cúm”.

Đầu tháng 3, Hồng Kông chỉ có khoảng 150 ca nhiễm COVID-19 mặc dù không áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt như các vùng khác. Sau khi tiếp nhận người dân từ châu Âu và Mỹ trở về, thành phố này mới có thêm nhiều ca dương tính mới.

“Dựa trên nghiên cứu, khẩu trang mang lại nhiều lợi ích hơn là hại. Thậm chí với khẩu trang tự chế, nếu đeo đúng cách và không chạm vào quá nhiều, người dùng có thể giảm thiểu phần lớn nguy cơ nhiễm virus”.

02. Thông báo mâu thuẫn

Trong hướng dẫn đề phòng virus corona, CDC cho biết cách thức bệnh lây truyền “chủ yếu qua những giọt bắn khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi”, những giọt bắn này “có thể rơi vào miệng, mũi của người xung quanh và đi vào phổi”.

CDC khuyến nghị những người nhiễm bệnh đeo khẩu trang hoặc tìm cách che miệng, mũi lúc ho và hắt hơi. Những người chăm sóc cho bệnh nhân cần phải đeo khẩu trang khi ở cùng phòng với người nhiễm.

Tuy nhiên, trong cùng hướng dẫn đó, CDC cho rằng những người không có triệu chứng bệnh “không cần thiết” phải đeo khẩu trang bởi “khẩu trang có thể khan hiếm và cần được ưu tiên cho y bác sĩ sử dụng”.

Điều này đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. CDC, cùng WHO và một số cơ quan và chuyên gia y tế, đã đồng loạt đưa ra hướng dẫn rằng khẩu trang không giúp bảo vệ người dân trong những trường hợp thông thường, trong khi đó lại khẳng định khẩu trang rất cần thiết cho nhân viên y tế.

Một người dùng Twitter viết: “Tại sao khẩu trang lại có ích cho nhân viên y tế nhưng lại không có tác dụng đối với người dân thường?”

03. Tác dụng của khẩu trang

Một trong những lí do CDC đưa ra để lí giải cho việc thay đổi hướng dẫn phòng bệnh là khẩu trang có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm đối với những trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng bệnh, và vì vậy nếu mọi người đều che mặt bằng khẩu trang – như các nước châu Á đã làm – thì việc đó có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm.

Việc virus lây lan trước khi một người nhiễm bệnh không phải là mới. Thông tin này đã được dự đoán từ những tuần đầu của dịch bệnh, và các bằng chứng gần đây ngày càng chứng minh rõ nét cho việc đó.

Thậm chí kể cả khi không có lây nhiễm từ những người không có triệu chứng, thì việc toàn dân đeo khẩu trang cũng có tác dụng.

Tại Mỹ, nếu chỉ có người nhiễm bệnh đeo khẩu trang, họ có thể bị người xung quanh “đề phòng”, e ngại. Nhưng nếu tất cả mọi người đều đeo, những người nhiễm bệnh cũng sẽ đeo thoải mái hơn và giúp người xung quanh được an toàn.

Việc thiếu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ tại bệnh viện trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, CNN cho rằng, sự thiếu thốn này là do những sai lầm trong chính sách và chuỗi cung ứng, chứ không phải từ nhu cầu tăng lên tới 75% của người dân.

Qua đây, có thể thấy rằng nếu thay vì nói khẩu trang không có tác dụng, các quan chức có thể yêu cầu các nhà máy tăng cường sản xuất khẩu trang và cung cấp hướng dẫn sử dụng phù hợp, có lẽ Mỹ đã hạn chế được một lượng không nhỏ các ca nhiễm bệnh trên khắp cả nước.

Sơn Ca (CNN)

Bài mới
Đọc nhiều