Báo chí Pháp ca ngợi Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Các bài viết mở đầu bằng những thông tin ấn tượng, khi Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân, nhưng chỉ ghi nhận 268 ca nhiễm virus SARS CoV-2.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, phiên bản điện tử của hàng loạt tờ báo lớn của Pháp như nhật báo Thế giới (Le Monde), nhật báo Le Figaro, báo Tiếng vọng (Les Echos), tuần báo Courrier internationale, hay nhật báo vùng phía Tây nước Pháp (Ouest-France), báo La Dépêche, các kênh phát thanh truyền hình như kênh tin tức Đài phát thanh quốc gia Pháp (FranceInfo) hay kênh truyền hình quốc tế Pháp ngữ (TV5 Monde), lần lượt đăng tải các bài viết, phóng sự về hiệu quả cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Các bài viết, phóng sự này mở đầu bằng những thông tin ấn tượng, khi Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân, có biên giới chung với Trung Quốc (nơi khởi phát đại dịch Covid-19) nhưng chỉ ghi nhận 268 ca nhiễm virus SARS CoV-2, đã chữa khỏi khoảng 200 ca và không có ca tử vong nào cho đến hiện tại.
Việt Nam trở thành một điển hình cho cuộc chiến chống Covid-19 trên thế giới, đối với cả các quốc gia châu Âu. Báo Tiếng vọng (Les Echos) còn mở đầu phần bình luận bằng cụm từ “khó có thể làm tốt hơn” Việt Nam. Báo “Thư tín quốc tế” (Courrier international) còn ghi tiêu đề “thành công tuyệt vời của Việt Nam trước virus corona”.
Báo chí Pháp tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến thành công “kỳ diệu” của Việt Nam. Tất cả đều cho rằng, Việt Nam đã nhận thức sớm và nghiêm túc về nguy cơ từ đại dịch Covid-19. Ngay từ khi Trung Quốc công bố những ca nhiễm đầu tiên, Việt Nam nhanh chóng áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn virus lây lan trong cộng đồng, trong đó có quyết định sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Theo báo chí Pháp, thành công của Việt Nam đến từ chính sách xác định và theo dõi nghiêm ngặt cá nhân hoặc nhóm người đã nhiễm virus hoặc có nguy cơ lây nhiễm.
Báo Le Figaro và báo Les Echos khẳng định, Việt Nam không có nguồn lực tài chính mạnh để chống dịch như các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Hàn Quốc. Vì vậy, Việt Nam đã lựa chọn một chiến lược được báo chí phương Tây gọi là “chiến lược chi phí thấp”.
Thay vì thực hiện chính sách xét nghiệm hàng loạt tốn kém, Việt Nam tập trung xét nghiệm có trọng tâm, cách ly người nhiễm bệnh và truy tìm những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh (F1), cũng như lần theo dấu vết của những người đã tiếp xúc với F1 (F2 và F3).
Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, tiến hành cách ly một vùng hành chính rộng (xã Sơn Lôi – Vĩnh Phúc) sau đó là các địa phương hay khu vực khác. Ngoài ra, học sinh trên toàn đất nước được cho học tại nhà kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, việc mang khẩu trang là bắt buộc đối với toàn dân.
Các biện pháp của Việt Nam được đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là “chủ động và nhất quán” trong suốt quá trình chống dịch. Quan trọng hơn, chiến lược này nhận được sự ủng hộ của toàn dân.
Nhật báo Thế giới (Le Monde) còn dẫn bài viết của ông Jean-Noël Poirier, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam (người bị nhiễm SARS CoV-2 và đang được chữa trị tại Việt Nam). Trong bài viết, cựu Đại sứ Pháp khẳng định, Việt Nam đã đạt được những kết quả “kỳ diệu” trong cuộc chiến chống Covid-19, hệ thống bệnh viện của Việt Nam không hề quá tải và hoàn toàn nằm trong kiểm soát.
Ngoài ra, việc Việt Nam tặng khoảng nửa triệu chiếc khẩu trang cho các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh hay các nước láng giềng Lào và Campuchia, cũng được nhật báo Thế giới (Le Monde) mang ra để châm biếm “chiến lược ngoại giao virus corona” của Trung Quốc, khi quốc gia vốn là nơi khởi phát dịch này đang tích cực xuất khẩu trang thiết bị y tế ra quốc tế.
Về vấn đề công bố thông tin liên quan dịch Covid-19, Nhật báo Thế giới khẳng định, Việt Nam công bố một cách minh bạch. Trong khi đó, báo Les Echos cũng cho rằng những con số được cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra được đánh giá là “đáng tin cậy”.
Huỳnh Điệp/VOV