+
Aa
-
like
comment

Báo cáo Bộ Chính trị chuyển hình thức đầu tư cao tốc Bắc – Nam

26/03/2020 14:58

Bộ KH&ĐT sẽ dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị, trong đó đề xuất cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, chủ trì hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. Trong đó, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc – Nam và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Báo cáo Bộ Chính trị chuyển hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam - ảnh 1
Các dự án đầu tư theo hình thức PPP đang gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn tín dụng. Ảnh cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam.

“Báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cũng cần đề xuất bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật…” – Thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, Bộ GTVT có báo cáo Chính phủ tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam. Theo đó, tuyến cao tốc trên gồm 11 dự án thành phần (trong đó có ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức PPP). Ba dự án đầu tư công đã khởi công xây dựng (Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2).

Đối với tám dự án PPP, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển với 32 nhà đầu tư. Kết quả chấm hồ sơ sơ tuyển từ các ban quản lý dự án cho thấy dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư nào trúng sơ tuyển.

Ba dự án Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu có hai nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Bốn dự án còn lại gồm Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Phan Thiết – Dầu Giây có từ ba nhà đầu tư trúng sơ tuyển trở lên.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất trình Quốc hội quyết định đưa 3/8 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang triển khai theo hình thức PPP (đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây, với tổng số tiền 20.500 tỉ đồng) vào danh mục đầu tư công để khởi công trong tháng 8-2020.

Theo phương án do Bộ GTVT đề xuất, Nhà nước sẽ bỏ vốn để đầu tư xây dựng ba dự án nói trên, khi hoàn thành sẽ tiến hành chuyển nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn.

Năm dự án còn lại, thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam (giai đoạn 2017 – 2020) và đoạn cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau sẽ thực hiện đầu tư PPP.

Chưa xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế

Tại kết luận nêu trên, Thủ tướng cũng giao cho Bộ KH&ĐT chưa xem xét, đề xuất việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 đã được nêu tại Kết luận số 63/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 85/2019 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19.

“Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% số kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện…” – Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ KH&ĐT cũng được giao nhiệm vụ chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài. Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, sớm thực hiện việc gia hạn, giảm thuế, phí liên quan cho doanh nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm trong nước, xúc tiến và mở rộng các thị trường xuất khẩu.

“Kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng do Nhà nước định giá, đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp; bảo đảm cung ứng đủ lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân…” – Thủ tướng yêu cầu.

VIẾT LONG/PL

Bài mới
Đọc nhiều