Báo Anh: Việt Nam đã chống dịch rất thành công, và giờ thế giới sẽ dõi theo họ chống lại làn sóng Covid-19 mới như thế nào
Dư luận quốc tế đều đồng thuận rằng Việt Nam đã chống dịch cực kỳ thành công, đặc biệt là khi so sánh cùng các quốc gia giàu có hơn, với nhiều nguồn lực hơn.
* Lược dịch từ bài viết của nhà báo Kim Sengupta trên trang Independent
Hơn 80.000 hành khách rời đi trên các chuyến bay tăng cường chỉ trong 1 ngày, thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam chuẩn bị thi hành cách ly xã hội toàn diện, và các quy trình lần vết dịch bệnh khẩn cấp được thi hành. Đó là những gì đã xảy ra ở Đà Nẵng – thành phố 1,2 triệu dân, sau khi xuất hiện 3 ca nhiễm Covid-19 mới nhất.
Kể từ thời điểm ấy, số ca nhiễm liên quan đến Đà Nẵng đã tăng lên hơn 30, nhưng với những hành động nhanh chóng và quyết liệt, chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng sẽ không có sự tăng đột biến và mạnh mẽ về số lượng. Dẫu vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo rằng mọi tỉnh thành trong nước đang có rủi ro lây nhiễm cao, và cần phải thật sự cảnh giác.
Trước ngày 29/7, số liệu chính thức cho thấy Việt Nam chỉ có 446 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện, không có trường hợp tử vong. Các ca nhiễm bao gồm cả Stephen Cameron – bệnh nhân phi công người Anh, vừa được đưa trở về nước sau 68 ngày điều trị (phần lớn là điều trị tích cực có can thiệp ECMO – hệ thống tim phổi nhân tạo).
Dù nhìn nhận con số ấy thế nào, dư luận quốc tế đều đồng thuận rằng Việt Nam đã chống dịch cực kỳ thành công, đặc biệt là khi so sánh cùng các quốc gia giàu có hơn, với nhiều nguồn lực hơn.
Đặt lên bàn cân, chúng ta có Mỹ với hơn 4,43 triệu ca nhiễm, hơn 150.000 người tử vong. Ở Anh Quốc, hơn 300.000 ca nhiễm và gần 46.000 người đã ngã xuống. Nga có hơn 823.000 ca nhiễm, hơn 13.500 trường hợp đã ra đi. Và ở Ấn Độ, dịch bệnh đã lây lan cho gần 1,5 triệu người nhiễm, cướp đi hơn 33.500 sinh mạng.
Hành động rất nhanh và quyết liệtViệt Nam – quốc gia có chung đường biên giới dài 1.100km với Trung Quốc – đã hành động rất nhanh để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19. Cuối tháng 1/2020, ngay trong dịp Tết Nguyên Đán, chính phủ Việt Nam đã phát biểu “tuyên chiến” với dịch bệnh. Trong khi ở thời điểm đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn nhận định dịch bệnh gần như chỉ gói gọn trong phạm vi Trung Quốc.
Các hạn chế nghiêm ngặt được Việt Nam đưa ra sớm hơn rất nhiều so với Bắc Kinh, với lời cảnh báo từ Thủ tướng rằng dịch bệnh sẽ sớm chạm đến đất nước và để lại nhiều hậu quả đáng sợ nếu không hành động. “Chống dịch như chống giặc” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Việt Nam áp dụng lệnh siết chặt nhập cảnh có chọn lọc, chủ yếu đối với các hành khách từ Trung Quốc – điều trái ngược hẳn với lời khuyên của WHO. Đeo khẩu trang nơi công cộng trở thành bắt buộc, đồng thời thi hành xét nghiệm diện rộng quyết liệt, tiến hành cách ly hàng chục ngàn người. Các trường học đóng cửa ngay từ cuối tháng 1, chỉ mới tái hoạt động hồi giữa tháng 5. Cho đến giữa tháng 3, bất kỳ ai nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly, với chi phí phần lớn do chính phủ tài trợ.
“Đó là những hành động rất rất nhanh, nhìn có vẻ như cực kỳ khắc nghiệt ở thời điểm đó, nhưng sau này đã được chứng minh là rất hợp lý” – trích lời giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP. Hồ Chí Minh, người đã cộng tác cùng chính phủ trong các chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm.
“Chính phủ và công chúng dường như đã rất quen thuộc với bệnh truyền nhiễm và thể hiện sự coi trọng với nó, có lẽ là hơn rất nhiều so với các nước giàu có hơn. Họ biết cách đối phó với bệnh dịch như thế nào.”
Việt Nam đã làm rất tốt, và giờ cả thế giới đang theo dõi họ đón cơn bão mới
Dù đã làm gì để chuẩn bị đối phó với virus corona, thì việc Việt Nam đã làm rất tốt là điều không còn nghi ngờ gì nữa, giống như trường hợp của New Zealand.
New Zealand cũng được tôn vinh, với câu chuyện chống dịch thành công. Giống như Việt Nam, New Zealand cũng hành động nhanh chóng để bảo vệ người dân, và thủ tướng Jacinda Ardern đã được tôn vinh vì những quyết định sáng suốt khi đó.
Ngày 2/2/2020, khi Philippines ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc vì dịch bệnh, New Zealand đã lập tức cấm mọi hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc. Mọi công dân trở về từ Trung Quốc đều sẽ bị cách ly bắt buộc trong 14 ngày.
Giữa tháng 3, tất cả mọi người – bao gồm cả công dân trong nước – sẽ phải tự cách ly khi trở về từ nước ngoài. Họ đóng cửa biên giới với mọi cư dân quốc gia khác sau đó vài ngày. Tỉ lệ lây nhiễm bắt đầu giảm xuống. Họ trải qua 24 ngày không có ca nhiễm mới nào, cho đến khi xuất hiện 2 ca nhiễm từ Anh Quốc trở về. Theo số liệu thống kê, New Zealand có 1557 ca nhiễm, và 22 trường hợp tử vong.
Cả New Zealand và Việt Nam đều đã gỡ bỏ nhiều lệnh siết chặt, ngoại trừ với du lịch quốc tế. Nhưng trong khi nền kinh tế của New Zealand được dự đoán sẽ sụt giảm khoảng 20% trong nửa đầu năm, Việt Nam vẫn giữ cột mốc tăng trưởng 5%.
Việc loại bỏ được sự ảnh hưởng của Covid-19 sớm hơn so với đa số các nơi khác trên thế giới, cả 2 quốc gia đều trông đợi vào nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, trong khi ngành du lịch của New Zealand vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn thu từ nước ngoài, Việt Nam lại phục hồi nhờ du lịch trong nước.
Chẳng hạn như vào tháng 7 – tháng du lịch khởi sắc nhất của New Zealand hàng năm, thì nay số chuyến bay giảm tới 40% với nhiều chuyến bị hủy. Việt Nam thì có tới 26.000 chuyến bay, mang theo 5 triệu hành khách – tăng lần lượt 16% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Iceland cũng là những nơi đã kiểm soát dịch bệnh tốt trên quốc tế. Điểm chung của tất cả là hành động nhanh, xét nghiệm diện rộng và áp đặt quy định cách ly trước khi số ca nhiễm tăng cao.
Một số quốc gia lại chọn con đường khác, và họ sớm phải thấy hậu quả. Như Anh Quốc, họ đã không chịu thực hiện phong tỏa cho đến khi số ca nhiễm lên tới 6.500 ca và 330 người ngã xuống.
Và giờ khi xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới, cả thế giới sẽ trông chờ Việt Nam giải quyết nó thế nào.
(Theo Independent)