Báo Anh: “Việt Nam có thể vươn lên vị thế là nước dẫn đầu về gió ngoài khơi”
Trang Recharge News của Anh vừa có bài viết với tiêu đề “Vietnam can leap the hurdles and take its place as an offshore wind leader” (Việt Nam có thể vượt qua rào cản và vươn lên vị thế là nước dẫn đầu về gió ngoài khơi), nhằm nói về tiềm năng phát triển vô hạn của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo Recharge, với dân số hơn 96 triệu người, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng và là một trong những nền kinh tế sử dụng nhiều năng lượng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, với điều kiện địa lý vô cùng thuận lợi, vơi hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam rất có thể trở thành nhà lãnh đạo tương lai của châu Á về điện gió.
Với Việt Nam, nhờ nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi có thể đạt công suất lớn hơn 50%, tương đương hệ số công suất của thuỷ điện.
Được biết, dự kiến nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trung bình lên đến 9,36% hàng năm trong thập kỷ tới. Mặc dù sản xuất điện ở Việt Nam có truyền thống phụ thuộc nhiều vào than đá, nhưng tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết rằng Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.
Vì vậy, việc thay thế nhiệt điện than, điện gió ngoài khơi đang sẵn sàng trở thành trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Theo Lộ trình gió ngoài khơi của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam, điện gió ngoài khơi đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải ròng của Việt Nam và có thể giúp tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2. Nó cũng bổ sung ít nhất 50 tỷ đô la cho nền kinh tế Việt Nam bằng cách kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương mạnh mẽ, tạo ra hàng nghìn công việc có tay nghề cao và xuất khẩu năng lượng gió.
Với cam kết đầy tham vọng, chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt quy định nhằm phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương (MOIT) đã được chỉ đạo điều chỉnh lại Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII (QHĐ8), vốn hiện chủ yếu dựa vào nhiệt điện than.
Những thay đổi cơ bản đối với dự thảo PDP8 đã được đề xuất và có vẻ như ngành công nghiệp gió sẽ là công nghệ tái tạo hàng đầu đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh năng lượng của Việt Nam. Dự thảo PDP8 hiện tại đặt ra một kế hoạch năng lượng sạch tích cực cho điện Việt Nam, trong đó gió (cả trên đất liền và ngoài khơi) sẽ là con đường hàng đầu để đạt được mục tiêu ròng.
Tuy nhiên, trên thực tế, điện than vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam và không thể bị loại bỏ trong một sớm một chiều (hoặc ít nhất phải đến sau năm 2025). Dự thảo PDP8 hiện dự trữ khoảng 40GW vào năm 2030 cho các nguồn nhiệt điện than, thấp hơn gần 15GW so với PDP7.
Những thách thức và hạn chế
Tuy nhiên, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam có những thách thức và hạn chế riêng, chủ yếu là do thiếu công nghệ, chi phí cơ sở hạ tầng cao hơn, thuế nhập khẩu hạn chế, thiếu hụt chuỗi cung ứng, lưới điện truyền tải kém phát triển và nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Theo Recharge, do nhu cầu tăng phát thải theo một quỹ đạo phát triển truyền thống là cao và các nguồn lực để chuyển sang một con đường mới xanh hơn thường bị hạn chế ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc hài hòa giữa phát triển kinh tế trong nước và các cam kết môi trường toàn cầu chắc chắn là một nhiệm vụ vô cùng thách thức.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, do tác động của dịch COVID-19, công tác triển khai xây dựng gặp khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật, dẫn đến nhiều dự án không kịp tiến độ theo cơ chế FIT.
Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến còn cho các dự án gặp một số khó khăn như: quá trình giải phóng mặt bằng bị đình trệ; khó khăn trong huy động nguồn nhân lực làm việc tại công trường dự án; chuỗi cung ứng bị gián đoạn do tình trạng khó khăn và tắc nghẽn trong quá trình nhập khẩu và vận chuyển trang thiết bị.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang dần có những thay đổi nhằm phát triển thêm về thị trường này, đáp ứng được cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong năm 2050.
Tiềm năng phát triển tương lai
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm 31/10/2021, phần lớn các nhà máy điện gió ngoài biển đã vận hành thương mại được xây dựng trên bãi bồi ven biển khu vực miền Tây nam Việt Nam (trong phạm vi giới hạn nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và nằm trong đường 3 hải lý ~ 5,6 km), khu vực này có độ sâu mực nước nông (2÷10m), nền địa chất yếu, ít ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải.
Sau làn sóng đầu tư ồ ạt để được hưởng được mức giá bán điện ưu đãi FIT 2 của điện gió (theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg), mục tiêu mà các nhà đầu tư hướng đến trong giai đoạn tiếp theo là xây dựng các dự án điện gió xa bờ hơn, ở các vùng nước sâu hơn, nơi có tốc độ gió tốt hơn phù hợp để xây dựng các trang trại gió quy mô từ vài trăm đến vài nghìn MW.
Tính tới thời điểm tháng 10/2021, có 35 dự án điện gió ngoài khơi đang được nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW, tiến độ được đề xuất trong các giai đoạn 2021 ÷ 2025. Con số này tiếp tục tăng rất nhanh trong thời gian ngắn (lên mức 129 GW vào cuối năm 2021). Điển hình như tỉnh Bình Thuận có 8 dự án đã đăng ký với quy mô công suất từ 900 MW ÷ 5.000 MW. Khoảng cách nghiên cứu xa nhất đến bờ lên tới 70 km và độ sâu đáy biển từ 20 ÷ 60m (Hình 4).
Có thể thấy rằng, xu thế lựa chọn địa điểm xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là phù hợp với xu thế phát triển của toàn cầu trong giai đoạn đến 2025.
Theo Recharge, với tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam còn có thể thu hút các nhà sản xuất thiết bị điện gió đến đầu tư, hình thành chuỗi cung ứng điện gió, đảm nhận luôn vai trò trung tâm dịch vụ logistics, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, tài chính, giáo dục, đào tạo… cho cả khu vực Đông Nam Á. Với hạ tầng cảng biển và nền tảng năng lực sẵn có về chế tạo, xây lắp các công trình trên biển của Việt Nam, đặc biệt của ngành dầu khí, cũng như quy mô và nhu cầu thị trường hiện nay, mục tiêu đó hoàn toàn trong tầm tay.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, kết hợp với các chính sách phát triển và việc giảm chi phí sản xuất đối với công nghệ cần thiết để tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư điện gió nước ngoài.
Bảo Trâm (Theo Recharge)