+
Aa
-
like
comment

Báo Anh và cụm từ “Dot lo”

Tuệ Ngô - 23/03/2023 14:53

Mới đây, trang The Economist của Anh bất ngờ có bài viết nhận định chiến dịch “Đốt lò” đã góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế. Đặc biệt, trang The Economist đã sử dụng nguyên văn cụm từ “Dot lo”, thay vì dùng từ tiếng Anh “blazing furnace”, để thấy tầm quan trọng của chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam

The Economist gọi “đốt lò” là chiến dịch mang dấu ấn của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo đó, Xếp hạng Chỉ số nhận thức về tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2021 cho thấy Việt Nam có những bước tiến bộ, xếp thứ 87 trên 180 nước, tăng 17 hạng so với năm 2020. Đây được cho là một sự tiến bộ trong công tác chống tham nhũng của Việt Nam.

Được biết, Bảng Cảm nhận Tham nhũng (The Corruption Perceptions Index) là thứ hạng công dân, doanh nghiệp hoạt động ở các nước “cảm nhận về tình trạng tham nhũng” của bộ máy công quyền.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức chống tham nhũng có trụ sở tại Berlin, nêu ra bốn yếu tố của các quốc gia “không có tham nhũng”: cơ chế tam quyền phân lập, một xã hội dân sự tự trị, nhà nước pháp quyền, và báo chí độc lập. Ở Việt Nam, một phần đánh giá nhìn vào hiện tượng “trao quà”, thậm chí tiền ăn chia cho quan chức khi doanh nghiệp nhận dự án công.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Qua đó, The Economist gọi “đốt lò” là chiến dịch mang dấu ấn của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiến dịch “đốt lò” dùng chỉ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013 trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt, trang The Economist sử dụng từ tiếng việt “dot lo” như một từ mới trong tiếng Anh, giống “doi moi” (Đổi mới) mà các trang tin chính trị dùng, để nói về chính sách chống tham nhũng của Việt Nam.

Những năm gần đây, nhiều từ ngữ Việt Nam đã được công nhận là danh từ quốc tế. Oxford là một bộ từ điển tiếng Anh nổi tiếng và uy tín bậc nhất Thế giới, đều đặn hàng năm thì ban biên tập luôn chọn lọc và bổ sung những từ ngữ phổ thông mà thế giới đang sử dụng. Hiện nay, tiếng Việt có 3 từ được nằm trong dữ liệu của Oxford gồm: Áo dài, Phở và Bánh mì. Ngoài ra, từ “doi moi” những năm gần đây cũng đã được hầu hết những trang báo uy tín nước ngoài sử dụng khi nói về tình hình phát triển kinh tế, chính trị Việt Nam.

Hiện nay, tiếng Việt mới chỉ có 3 từ được nằm trong từ điển của Oxford gồm: Áo dài, Phở và Bánh mì.

1, Từ “Áo dài” (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) : được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế 2 tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.

2, Phở: pho /fə ː/: Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam. Từ những quán bình dân vỉa hè cho đến những nhà hàng sang trọng, đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện món Phở. Trong cuốn từ điển Oxford có định nghĩa: một loại súp Việt Nam hầm từ xương bò, nấu với mì (bánh phở) và thêm các loại thịt như bò, gà được cắt lát mỏng.

Áo dài, Phở và Bánh mì là 3 từ được từ điển Oxford công nhận

3, Bánh mì: banh mi /ˈbɑːn miː/. Đi khắp nơi trên thế giới cũng khó có thể tìm được quốc gia nào có món bánh mì như Việt Nam. Không giống như Hamburger hay Sandwich, bánh mì ở Việt Nam có nét rất riêng với bơ, trứng, pate, thịt, rau… Chính vẻ rất riêng đó, hôm 28/3/2011, Oxford đã bổ sung cả bánh mì vào trong từ điển với nghĩa: Bánh mì là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, patê và rau củ như cà rốt, dưa chuột, rau mùi… và kèm gia vị như ớt, hạt tiêu.

Tuy số lượng từ ngữ chỉ vỏn vẹn vài từ ít ỏi, nhưng một khi đã được chuẩn hóa quốc tế và không ngừng được bổ sung thêm nữa, từ nay chúng ta có thể tự hào sử dụng những từ như “ao dai”, “pho”, “banh mi” thay cho “long dress/vietnamese dress”, “vietnamese noodle”, hay “mixed bread” để chỉ những đặc sản mà chỉ riêng nước Việt Nam, người Việt Nam mới có và luôn tự hào. Cũng như từ “dot lo” và “doi moi”, khi được sử dụng đó cho thấy đó như một “di sản” hiếm có khó tìm được thế giới công nhận.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều