+
Aa
-
like
comment

Báo Anh: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau biến cố từ làn sóng Delta

Bảo Trâm - 16/11/2021 10:32

Trang IHS Market của Anh vừa có bài viết với tiêu đề “Vietnam economy rebounds after third quarter GDP contraction” (Kinh tế Việt Nam phục hồi sau GDP quý III giảm sâu), qua đó đưa ra nhận định đà tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022.

Theo IHS Market, năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước những chấn động từ đại dịch Covid-19 toàn cầu. Kinh tế tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm năm 2021, với GDP quý II / 2021 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 Delta nghiêm trọng đã khiến kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng ở giữa năm 2021, khiến tăng trưởng GDP trong quý 3 năm 2021 giảm mạnh.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế mới nhất cho Q4 2021 đang cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế. Chỉ số PMI Sản xuất của IHS Markit cho tháng 10/2021 đã chứng tỏ sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam.

Trang IHS Market nhận định, trước đại dịch, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt nhẹ 7% trong cả hai năm 2018 và 2019. Tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu sản xuất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới là động lực tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam, đặc biệt là do sự mở rộng nhanh chóng trong lĩnh vực dệt may và điện tử. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành sản xuất điện và điện tử chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019, trong đó hàng dệt may và giày dép chiếm thêm 19,4%.

Tổng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 20,4 tỷ USD vào năm 2019, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty đa quốc gia vào việc thành lập các cơ sở sản xuất chế tạo mới tại Việt Nam.

Theo IHS Market, Samsung là nhà đầu tư quan trọng, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khoảng 17 tỷ USD trong thập kỷ đến năm 2018. Giúp Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất nước ngoài lớn nhất cho Samsung Electronics, đạt doanh thu 66 tỷ USD trong năm 2019, tương đương khoảng 25% GDP của Việt Nam. Khoảng 50% điện thoại thông minh và máy tính bảng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu trên toàn cầu. Samsung Việt Nam cũng đã xây dựng trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á gần Hà Nội.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế đã giảm đáng kể vào năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19. Cho đến năm 2020, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương 2,9% so, đây là con số đáng nể bởi hầu hết thế giới đều ghi nhận tăng trưởng âm do khủng hoảng đến từ Covid-19.

Theo IHS, vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 vẫn tăng cao bất chấp đại dịch, ở mức khoảng 20 tỷ USD, chỉ giảm 2% so với năm 2019.

Nói về tình hình kinh tế Việt Nam sắp tới, IHS cho biết đà tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với tốc độ 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, do việc tăng cường triển khai vaccine giúp hạn chế dần đại dịch và thông qua việc cho phép mở cửa dần du lịch quốc tế.

Bất chấp những rủi ro ngắn hạn, về triển vọng kinh tế trung hạn, một số lượng lớn các động lực tăng trưởng tích cực đang tạo ra những luồng gió thuận lợi và sẽ tiếp tục tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ về tổng GDP cũng như GDP bình quân đầu người của Việt Nam, theo IHS Market.

Tổng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 270 tỷ USD năm 2020 lên 433 tỷ USD vào năm 2025, tăng lên 687 tỷ USD vào năm 2030. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, từ 2.785 USD/năm vào năm 2020 lên 4.280 USD/năm vào năm 2025 và 6.600 USD vào năm 2030, dẫn đến sự mở rộng đáng kể về quy mô thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam.

Theo IHS, vai trò trung tâm sản xuất của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có, đặc biệt là dệt may và điện tử, cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như ô tô và hóa dầu.

Hơn nữa, với tình hình căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ-Trung vẫn ở mức cao, đây có thể sẽ là động lực cho việc cấu hình lại chuỗi cung ứng. Bên hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu sẽ là khu vực ASEAN, và Việt Nam được kỳ vọng là một trong những bên đạt được những thành tựu to lớn nhờ nền kinh tế ổn định và an toàn.

Bảo Trâm (Theo IHS Market)

Bài mới
Đọc nhiều