Báo Anh: Cú bứt tốc ngoạn mục của Việt Nam trên cung đường trở thành cứ điểm xuất khẩu
Mới đây, Oxford Economics, một trong những công ty tư vấn toàn cầu độc lập hàng đầu thế giới, với hơn 20 văn phòng trên khắp thế giới, vừa nhận định Việt Nam sẽ chiếm tới 4% lượng hàng hoá điện tử xuất khẩu trong năm 2025. Từ đó chuyển đổi thành một trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai gần.
Theo đó, việc Việt Nam chuyển đổi thành một trung tâm sản xuất toàn cầu trong thập kỷ qua đã giúp Việt Nam vượt trội hơn hầu hết các nền kinh tế vào năm 2020 và tăng cường hơn nữa thị phần xuất khẩu hàng điện tử và sản xuất toàn cầu.
Trích báo cáo của Oxford Economics dự báo, những xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2021 và hơn thế nữa. Được hỗ trợ bởi nguồn vốn FDI mạnh mẽ, theo ước tính, Việt Nam sẽ chiếm khoảng 4% tổng lượng xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu vào năm 2025. Con số này có thể còn cao hơn nếu các vấn đề liên quan tới hậu cần ở Việt Nam được cải thiện nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng hơn.
Mức thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ có thể là một rủi ro. Các tác giả nghiên cứu cho rằng trong trường hợp mức thuế 10% được Mỹ áp dụng đối với hàng dệt may, viễn thông, máy tính và đồ nội thất xuất khẩu sang quốc gia này có thể sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống mức trung bình 6,4% trong giai đoạn 2021-2022 so với mức cơ sở mà nghiên cứu đặt ra là 7,2%.
Theo Oxford Economics, Việt Nam đã có thể tận dụng tối đa sự bùng nổ nhu cầu về máy tính, thiết bị điện tử và đồ nội thất liên quan đến làm việc tại nhà trên toàn cầu. Những điều kiện thuận lợi này có thể sẽ biến mất trong năm nay do việc nới lỏng các hạn chế chống dịch sẽ cho phép sản xuất ở các nước khác trở về bình thường.
Nghiên cứu tin rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tốt hơn hầu hết các nước khác trong khu vực trong năm nay và hơn thế nữa. Cụ thể, các tác giả kỳ vọng lĩnh vực sản xuất xuất khẩu của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của thương mại thế giới trong năm nay.
Ngoài ra, thị phần xuất khẩu máy tính và điện tử của Trung Quốc sang Mỹ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại, giảm khoảng 13%. Trong đó Việt Nam có mức tăng thị phần lớn nhất (tăng 4%), tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc). Điều đó cho thấy, Trung Quốc tiếp tục cung cấp hơn 2/3 lượng hàng hóa loại này nhập khẩu vào Mỹ.
Điều thú vị là sự sụt giảm xuất khẩu máy tính và hàng điện tử hoàn chỉnh của Trung Quốc sang Mỹ không khiến nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa điện tử trung gian giảm mạnh. Cụ thể, nhập khẩu máy móc và hàng hóa của Trung Quốc từ Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa trung gian, tăng trung bình 31% hàng năm trong giai đoạn năm 2018-2020.
Nhu cầu lớn đối với những mặt hàng này có thể một phần do một số công ty Trung Quốc đang chuyển sản xuất và lắp ráp sang Việt Nam để tiết kiệm chi phí lao động và tránh bị Mỹ áp thuế cao hơn.
Hơn nữa, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu trong trung hạn, nhờ động lực lao động hấp dẫn, vị trí gần Trung Quốc và các chính sách thương mại và FDI thuận lợi. Do đó, ước tính tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa điện tử toàn cầu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, chiếm khoảng 4% xuất khẩu điện tử toàn cầu vào năm 2025, theo Oxford Economics.
Bảo Trâm (Theo Oxford Economics)