Mới đây, Trade Finance Global đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “4 lý do để Việt Nam thu hút đầu tư hơn trong khối ASEAN”. Theo đó, Trade Finance Global đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu ở ASEAN nhờ chi phí lao động rẻ, môi trường ổn định và tích hợp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, Trung Quốc đã mất đi phần nào sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Hơn nữa, việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt đã khiến nhiều nhà sản xuất phải dè chừng khi quyết định chọn Trung Quốc. Trong thời gian này, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong xu hướng đón đầu làn sóng chuyển dịch, được các nhà đầu tư đánh giá cao hơn nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan hay Philippines.
Vậy tại sao cùng trong ASEAN, Việt Nam lại thu hút nhiều nhà đầu tư hơn so với các quốc gia khác? Để trả lời cho câu hỏi này, Trade Finance Global đã đề cập đến bốn nguyên nhân sau:
Theo Trade Finance Global, Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, đặc biệt là có khả năng nắm bắt các tiến bộ công nghệ khá nhanh. Tại Việt Nam, dù mức lương nhân công ngành sản xuất tăng từ 237 USD/tháng trong năm 2021 lên 252 USD/tháng thì đây vẫn là một con số tương đối thấp so với các nước trong khu vực.
Hơn nữa, do tình trạng lạm phát gia tăng, chi phí lao động ở Trung Quốc đã cao hơn gấp ba lần so với Việt Nam, điều này thúc đẩy các nhà sản xuất đa quốc gia xem xét chuyển đến Việt Nam nhiều hơn.
“Việt Nam hiện đang là một điểm đến lý tưởng, có tính cạnh tranh cao so với các quốc gia khác của châu Á. Nếu xét về lợi thế nguồn lao động, Việt Nam sẽ là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn của các nhà đầu tư nước ngoài”, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C Bruno Jaspaert nhận định.
Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, Việt Nam vẫn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp khủng hoảng gia tăng trên toàn cầu.
Việc kết hợp các nhà sản xuất Việt Nam vào chuỗi cung ứng là điều tương đối đơn giản.
Đối với các chuỗi cung ứng từ xí nghiệp đến nhà phân phối (chuỗi cung ứng nghịch chiều), hầu như không một xí nghiệp nào của ASEAN có thể hoàn toàn thoát khỏi “trường hấp dẫn” của Trung Quốc.
Nhưng khác với các nước ASEAN-4, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa các xí nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng kết hợp vào mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc, do không cần vận chuyển linh kiện qua nhiều biên giới. Thuế quan nhờ đó cũng được giảm thiểu.
Ở chuỗi cung ứng thuận chiều từ nhà phân phối đến tay khách hàng, việc kết hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng cũng là một quá trình tương đối ít gặp trở ngại. Nguyên nhân là do Việt Nam có 2 sân bay quốc tế, một số cảng lớn, nguồn điện đáng tin cậy và truy cập internet dễ dàng. Thêm vào đó, hầu hết các nhà cung cấp Việt Nam đều nằm gần sân bay hoặc cảng biển lớn, giúp cho việc vận chuyển thành phẩm từ nhà máy đến tay khách hàng trở nên dễ dàng.
Trade Finance Global nhận định, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do khác nhau đã tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt với các nước lớn ngày càng có vị thế quan trọng. Hiện tại, Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặt khác với việc nhanh nhạy, tận dụng tốt những lợi thế từ các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng, doanh nghiệp nhiều ngành hàng lớn đã khai thác tốt thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, việc tham gia nhiều liên kết kinh tế quan trọng trên thế giới đã tạo nên sự đa dạng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam, giúp giảm thiểu tác động từ các rủi ro thương mại quốc tế. Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư đều có ấn tượng rất tốt về một Việt Nam năng động và linh hoạt. Nơi đây hiện là địa điểm đầu tư hấp dẫn và là miền đất hứa cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài mới nổi trên toàn cầu.
Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình Australia năm 2019, Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Singapore về mức độ an toàn và an ninh xã hội tại khu vực Đông Nam Á. Sau hơn 40 năm hòa bình và phát triển, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư tin cậy của nhiều quốc gia do sự ổn định, minh bạch và nhất quán về chính trị. Thời gian gần đây, hệ thống chính sách công do Chính phủ đặt ra ngày càng được cải thiện, làm khung pháp lý cho các hoạt động kinh tế – xã hội và đầu tư thương mại từ bên ngoài.
Hơn nữa, trong một tuyên bố về môi trường đầu tư năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá “môi trường chính trị và an ninh của Việt Nam phần lớn ổn định”. Còn theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp trên nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm 3 trong số các quốc gia ASEAN-4, về mức độ ổn định chính trị và không có bạo lực.
Theo Trade Finance Global, sự kết hợp của cả 4 yếu tố trên rõ ràng là đủ để tạo ra sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Việt Nam đã vượt qua rất tốt sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra, vẫn được coi là một trung tâm sản xuất chủ chốt và đang phát triển. Khi Chính phủ tiếp tục thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên khắp thế giới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cũng như thông tin liên lạc, vị thế của Việt Nam là một “trung tâm sản xuất đang lên” sẽ ngày càng được củng cố.
Để khẳng định Việt Nam sẽ là điểm đến tiềm năng cho các “cá mập, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết xây dựng môi trường đầu tư của Việt Nam luôn luôn đổi mới, đổi mới tư duy, hành động, cải thiện môi trường đầu tư công khai, minh bạch, khách quan.
Trong đó, việc thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội cho Việt Nam.
Lan Hoa (Theo Trade Finance Global )