+
Aa
-
like
comment

“Chuyến công du Mỹ tái khẳng định vị thế của Việt Nam tại ASEAN của Thủ tướng Phạm Minh Chính”

Lan Hoa - 23/05/2022 10:55

Đó chính là nhận định của trang The Economic Times của Ấn Độ vừa được đăng tải gần đây. Qua đó cho thấy, chuyến đi của Thủ tướng đã thành công và có những điểm nhấn hết sức ấn tượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ.

Trải qua hơn 5 thế kỷ xây dựng và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cộng đồng có nền kinh tế lớn trên thế giới, hợp tác an ninh chính trị, văn hóa-xã hội ngày càng sâu rộng. Và trong suốt quá trình ấy, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôi nhà chung ASEAN. 

Vị thế Việt Nam tại ASEAN

Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nổi lên là một thành viên năng động và trách nhiệm, đóng góp quan trọng vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và ổn định khu vực.

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội này. Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực.

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN

Thực tế đã chứng minh, 27 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. Việt Nam cũng đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai tầm nhìn, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 và 2020 với những kết quả to lớn và thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 cũng như nâng cao vai trò của ASEAN.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tích cực, chủ động dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các đối tác nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Dự báo, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. Trật tự khu vực tương đối ổn định nhờ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của ASEAN: “Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”. Những đóng góp của Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên, sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN, mà còn góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới.

Vị thế Việt Nam qua chuyến công du Mỹ

Theo The Economic Times, Việt Nam đóng vai trò là cầu nối cho nhiều mối quan hệ đối tác giữa các nước, các khu vực trên thế giới.

Theo đó, chuyến thăm cho thấy rằng Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc định hình quan hệ Mỹ – ASEAN. Đồng thời, quan hệ đối tác Ấn Độ – Việt Nam cũng góp phần tăng cường vai trò của Ấn Độ trong ASEAN và do đó khẳng định lại vai trò của Việt Nam với tư cách là một bên đa phương. Hơn nữa, chuyến thăm cũng cho thấy Việt Nam có thể xử lý các vấn đề nhân quyền một cách thuần thục.

Bên cạnh đó, Mỹ hiện là một trong những đối tác đối thoại quan trọng nhất của ASEAN. Không chỉ Việt Nam mà các nước ASEAN khác đều luôn coi trọng, chú trọng thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Việt Nam ủng hộ và đã có nhiều đóng góp chủ động, tích cực để tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Mỹ, thúc đẩy quan hệ ASEAN – Mỹ phát triển vì lợi ích của hai bên.

Chiều 13/5 (giờ địa phương), tại Washington D.C. (Hoa Kỳ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ.

Việt Nam ủng hộ sự can dự xây dựng, có trách nhiệm của Mỹ ở khu vực, góp phần tích cực xây dựng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, duy trì môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác ở khu vực. Việt Nam cũng ủng hộ sự tham gia của Mỹ vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như EAS, ARF… cũng như trong hợp tác với các nước Mekong thông qua cơ chế quan hệ Đối tác Mekong – Mỹ.

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa ASEAN và Mỹ nhằm hỗ trợ các nước ASEAN kiểm soát và từng bước đẩy lùi đại dịch COVID-19, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, duy trì môi trường ổn định, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Về kinh tế, Việt Nam có mức gia tăng thương mại với Mỹ đặc biệt nhanh chóng. Với tổng giá trị thương mại với Mỹ đạt hơn 90 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam chiếm gần 1/3 tổng giá trị thương mại của toàn khối với nền kinh tế này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo ASEAN dự chiêu đãi của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Về tiềm năng, Việt Nam là một quốc gia gần 100 triệu dân, nằm ở vị thế có tác động bổ trợ tương tác rất lớn để đóng vai trò trụ cột, tạo nên sự lớn mạnh của ASEAN. Đặc sắc hơn nữa, Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Nhật Bản đã tạo được bước biến chuyển kỳ diệu trong quan hệ với Mỹ, từ hận thù thành đối tác tin cậy. Từ những điều này, dễ dàng nhận thấy Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành một động lực quan trọng trong thúc đẩy quan hệ chiến lược ASEAN- Mỹ.

Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ

Tại phiên thảo luận về vấn đề an ninh biển và phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các sáng kiến của Mỹ về tăng cường hợp tác biển với khu vực. Theo đó, Thủ tướng khẳng định lại, trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực Biển Đông, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn các nước lớn, những đối tác của ASEAN, có thể đưa quan hệ đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm, đồng thời tham gia đóng góp cho khu vực trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, tham vấn đầy đủ với ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới. Tất cả các quốc gia, bao gồm các nước ASEAN và Mỹ, chia sẻ tầm quan trọng và lợi ích trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải huyết mạch của thế giới, theo The Economic Times.

ASEAN và Mỹ cùng các đối tác khác cần nỗ lực cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tránh có các hành động đơn phương, làm phức tạp thêm tình hình, xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982, đồng thời đẩy nhanh đàm phán đạt được Bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng. Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Lan Hoa (Theo The Economic Times)

Bài mới
Đọc nhiều