+
Aa
-
like
comment

Báo Ấn Độ cảnh báo thương vong lớn nếu TQ còn khơi gợi ký ức chiến tranh 1962

14/09/2020 18:32

Trong khi cả Ấn Độ và Trung Quốc, thông qua Bộ trưởng Ngoại giao, đều nhất trí rút quân khỏi vùng tranh chấp, tình hình trên thực địa phức tạp hơn nhiều và hai bên cần thời gian rút dần lực lượng.

Ấn Độ hoàn toàn bị động trước đợt tấn công bất ngờ của Trung Quốc năm 1962.

Trong 58 năm qua, Trung Quốc vẫn liên tục nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, để cảnh báo Ấn Độ về một kịch bản tương tự có thể lặp lại, rằng quân đội Trung Quốc (PLA) vượt trội hơn hẳn Ấn Độ trên chiến trường, bài xã luận đăng tải trên tờ Hindustan Times viết.

Theo báo Ấn Độ, cũng vì tư tưởng đó mà quân đội Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm đường ranh giới giữa hai nước trên dãy Himalaya. Trong cả hai lần chạm trán ở hồ Pangong Tso và thung lũng Galwan, binh sĩ Trung Quốc đều vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của Ấn Độ.

Gần đây, lính biệt kích Ấn Độ đã mở đường giúp quân đội chiếm các cao điểm ở hồ Pangong, đe dọa nơi Trung Quốc đóng quân gần đó.

Đến ngày 29-30.8, binh sĩ Trung Quốc đưa pháo phòng không lên cao điểm ở phía nam hồ Pangong, cùng với sự yểm trợ của xe tăng chiến đấu chủ lực, với mục đích răn đe binh sĩ Ấn Độ, theo tờ Hindustan Times.

Báo Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc vẫn quen với kiểu hù dọa như vậy, dù thời đại ngày nay, vũ khí cá nhân và xe tăng không còn là yếu tố quyết định chiến thắng.

Trong khi cả Ấn Độ và Trung Quốc, thông qua Bộ trưởng Ngoại giao, đều nhất trí rút quân khỏi vùng tranh chấp, tình hình trên thực địa phức tạp hơn nhiều và hai bên cần thời gian rút dần lực lượng.

Báo Ấn Độ nói, song song với việc rút quân, binh sĩ Ấn Độ đảm bảo rằng Trung Quốc không lợi dụng tình hình để chiếm lại các cao điểm chiến lược.

“Tốt nhất là hãy khôi phục lại nguyên trạng ở vùng tranh chấp như hồi tháng 4, trước khi căng thẳng leo thang”, báo Ấn Độ viết.

Địa hình chiến đấu vùng cao hết sức phức tạp

Theo tờ Hindustan Times, Trung Quốc đã quá đắc chí với những tổn thất vô cùng lớn của Ấn Độ trong cuộc chiến biên giới năm 1962.

Ngày nay, binh sĩ Ấn Độ không còn chiến đấu với súng trường bắn từng phát một, súng máy hạng nhẹ, súng cối cỡ nhỏ hay xe tăng hạng nhẹ. Lực lượng Ấn Độ hiện diện ở hồ Pangong thậm chí còn đông đảo hơn toàn bộ lực lượng tham chiến năm 1962.

Các nhà ngoại giao và tư lệnh Ấn Độ đã khẳng định, nếu chiến tranh nổ ra do Trung Quốc khơi mào, thương vong trong 15 phút đầu tiên sẽ lớn hơn toàn bộ cuộc chiến năm 1962, đặc biệt là thương vong của Trung Quốc.

Đó là vì các vũ khí hiện đại như tên lửa tầm xa, bom dẫn đường bằng laser mà Ấn độ đưa đến vùng biên giới.

Theo báo Ấn Độ, Trung Quốc nên hiểu rằng binh sĩ và xe tăng dưới mặt đất dù đông đảo đến mấy cũng không phải là yếu tố quyết định thắng bại. Đó là vì các vũ khí lớn, gây sát thương cao sẽ dọn sạch chiến trường.

Trong khi Trung Quốc và đặc biệt là các tư lệnh Chiến khu miền Tây rất tự tin về sức mạnh quân sự hình thành nên siêu cường mới, Ấn Độ có đủ vũ khí và năng lực răn đe để khiến Trung Quốc hứng chịu thương vong lớn ở Tây Tạng và Tân Cương, báo Ấn Độ Hindustian Times viết.

Cuối cùng, báo Ấn Độ khuyên Trung Quốc nên thức tỉnh, vì quân đội Ấn Độ trên dãy Himalaya đã được “thử lửa” qua hai cuộc chiến chống phe nổ dậy ở vùng Kashmir kể từ năm 1984.

Quân đội Ấn Độ giờ đây đã khác hoàn toàn so với năm 1962 và chiến thắng của Trung Quốc khi đó không còn gây ác mộng cho Ấn Độ, tờ Hindustian Times kết luận.

Minh Nhật/DV

Bài mới
Đọc nhiều