Bánh mì và sự sáng tạo của người Việt Nam
Nhiều lần vào top những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới, bánh mì Việt được yêu thích với đủ tiêu chí “ngon – bổ – rẻ”.
Đầu bếp Peter Cường Franklin là người có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của ẩm thực Pháp tại Việt Nam. Ông sinh ra ở Đà Lạt và được nhận làm con nuôi trong một gia đình Mỹ. Từng mở nhà hàng Việt Nam tại Hong Kong và hiện nay là TP HCM, ông cho biết: “Khi người Pháp đến Việt Nam, họ có nhu cầu ăn những thực phẩm của đất nước họ. Vì vậy, họ mang những nguyên liệu như lúa mì để làm bánh mì, phô mai, cà phê và các sản phẩm mà họ tiêu thụ mỗi ngày”.
Người Việt dần biết đến những nguyên liệu của Pháp, tuy nhiên chúng rất đắt đỏ vào thời điểm đó nên họ gọi bánh mì là “bánh Tây”. Theo thời gian, kỹ thuật làm bánh mì đã được truyền bá rộng rãi tới người dân địa phương.
“Người dân được thuê làm đầu bếp và nấu ăn cho người Pháp. Dần dần, họ nhận ra những món ăn này không chỉ dành riêng cho người Pháp, mà còn dành cho dân địa phương. Họ bắt đầu điều chỉnh công thức làm bánh mì, sử dụng nhiều men và nước hơn để bánh rỗng ruột, nhẹ, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam”, đầu bếp gốc Việt cho hay.
Người Pháp thường ăn bánh mì với gan gà hoặc pate gan ngỗng, phết phô mai và mù tạt. Song, những nguyên liệu này quá đắt với người Việt. Vì vậy, phiên bản mới được người Việt sáng tạo bằng cách dùng gan lợn, rẻ và dễ chế biến hơn để làm pate.
Theo Peter Cường, vào những năm 1950, người Việt đã nảy ra ý tưởng về món bánh mì kẹp. Thay vì ăn riêng lẻ, các nguyên liệu được kẹp vào trong ruột bánh. Đó là hình thức ban đầu của những chiếc bánh mì Việt hấp dẫn ngày nay.
Hương vị của bánh mì Việt Nam được biến tấu khác nhau tùy từng vùng miền. Bánh mì Hà Nội được đánh giá có phần nhân đơn giản và nhẹ nhàng hơn so với TP HCM, chủ yếu là nguyên liệu đã được chế biến sẵn để nguội như lạp xưởng, xúc xích, xá xíu. Tại các thành phố miền trung như Hội An, nhân bánh mì thịt heo quay luôn được làm nóng.
“Nhớ hồi đi học cấp 1, tôi thích nhất bánh mì xá xíu. Mỗi hôm tôi ăn 3 cái bánh mì, một cái ăn sáng, mua thêm cái nữa để dành ra chơi ăn tiếp, chiều 5h tan học lại ăn lót dạ. Ngoài cơm ra, tôi ăn bánh mì cả năm cũng được”, Phương Thủy, 24 tuổi, một nhân viên văn phòng chia sẻ về kỷ niệm tuổi thơ với bánh mì của mình.
Ngày nay, các cửa hàng bánh mì đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Mexico, Anh, Singapore, Australia, Hong Kong, Nhật Bản… Theign Yie Phan, đầu bếp một nhà hàng Việt ở Hong Kong cho biết: “Bên cạnh phở, bánh mì là một trong những món nổi tiếng của Việt Nam trên thế giới, dễ gây nghiện. Bánh mì là sự hòa quyện hoàn hảo về hương vị và kết cấu: vỏ bánh ấm giòn kết hợp với hương vị đậm đà của nhân thịt và sự tươi mới các loại rau thơm”.
Ngoài món bán chạy nhất là bánh mì thịt truyền thống Sài Gòn, nhà hàng của đầu bếp Phan có bánh mì gà xé và bánh mì đậu phụ chay. Mỗi tháng, cô mời các đầu bếp từ nhiều nhà hàng khác nhau trong cộng đồng để sáng tạo các phiên bản bánh mì mới.
Ngân Dương/NLĐ