+
Aa
-
like
comment

Giãn cách xã hội và câu chuyện “mua bánh mì ăn sáng” mỗi ngày

Nguyên Khánh - 20/07/2021 22:00

Kể từ vụ việc cách đây 1 năm, trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, không thể ngờ rằng ngày hôm nay, chiếc bánh mì lại tiếp tục trở thành đề tài bàn tán giữa đại dịch COVID-19. Câu chuyện đó, đến lúc này hẳn đã không còn xa lạ ở Việt Nam, mà người ta gọi là “bánh mì Khánh Hòa”.

Bánh mì là lương thực, nhưng mua bánh mì chỉ để ăn sáng thì có chính đáng? - ảnh 1
Vụ việc người dân bị xử phạt vì ra đường mua bánh mì và nước suối gây xôn xao dư luận.

Sau cơn “dậy sóng” và những bức xúc của từ cộng đồng, sự việc xảy ra ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang cuối cùng cũng đã khép lại, với kết quả cũng không khác dự đoán của mọi người. Ông Trần Lê Hữu Thọ, người đã nói “bánh mì không phải lương thực”, đã bị điều chuyển công tác vì phát ngôn và cách ứng xử của mình. Đối với cá nhân người viết, đó là một quyết định đúng đắn của UBND phường Vĩnh Hòa, và ông Thọ đã phải chịu trách nhiệm vì những lời nói “khó nghe” của mình, đặc biệt là trên cương vị Phó Chủ tịch phường như ông.

Nhưng khi nhìn lại sự việc ở góc nhìn của những người ngày ngày đang phơi mình dưới cái nắng mùa hè của miền vùng đất Khánh Hòa, có một điều chúng ta có thể công nhận rằng, họ đang làm đúng chức trách và nhiệm vụ mà Thủ tướng đã yêu cầu đối với từng địa phương: Đảm bảo việc thực hiện Chỉ thị 16 một cách nghiêm túc. Đúng là cách làm của đội kiểm tra liên phường đã quá cứng nhắc, cách giao tiếp của ông Thọ lại càng không đúng mực. Nhưng liệu họ có làm sai khi kiểm tra và xử phạt một người đang ra đường chỉ để mua… đúng 1 ổ bánh mì và 1 chai nước suối?

Tinh thần chống dịch của Chỉ thị 16 là khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trừ khi thật cần thiết. Và hẳn hầu hết chúng ta đều chấp nhận rằng, nếu phải ra đường, phần lớn đó là việc đi mua hàng hóa, lương thực dự trữ cho nhiều ngày, thậm chí là hàng tuần, hàng tháng. Bánh mì là lương thực, điều đó không cần phải bàn, nhưng nếu không phải một người, mà cứ mỗi sáng ai ai cũng ra đường mua bánh mì để ăn sáng, thì còn đâu là giãn cách xã hội, còn đâu là chống dịch, là chung tay vì cộng đồng?

Chúng ta không thể nào đồng tình với cách giao tiếp của các cán bộ, nhưng có lẽ, cũng không nên lấy lý do bánh mì là lương thực để quên đi rằng, sâu xa trong sự việc này, không chỉ có các cán bộ mới là người sai.

Nguyên Khánh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều