Bangkok Post: Việt Nam và ASEAN quan trọng thế nào với Mỹ?
Trang Bangkok Post vừa qua đã có bài viết nói về ý nghĩa quan trọng của Việt Nam và các quốc gia ASEAN thông qua chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Theo Bangkok Post, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Mỹ đã đồng hành hỗ trợ khu vực về vaccine và các trang thiết bị y tế. Đặc biệt, chuyến thăm cuối tháng 8 vừa qua của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam càng minh chứng cho thấy Mỹ coi trọng vai trò và hợp tác với ASEAN.
Ông Simon Tay, Chủ tịch Viện Các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) nhận định, bên cạnh liên kết mạnh mẽ của Bộ tứ (Quad) giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực ngày càng được đánh giá là cần thiết. Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc cũng là một lý do khiến vai trò của ASEAN ngày càng quan trọng.
Ông Pavida Pananond, Giáo sư ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Thammasat bổ sung rằng, thời điểm này, mấu chốt trong hợp tác giữa ASEAN và Mỹ bên cạnh các vấn đề an ninh sẽ là hợp tác trong dịch bệnh, phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng. Lựa chọn Singapore và Việt Nam trong chuyến thăm chính thức vừa qua cũng nằm trong những tính toán chiến lược của Washington tại khu vực.
Giáo sư Pavida nhận định phục hồi chuỗi cung ứng trong khu vực là “một lợi ích kinh tế quan trọng của Mỹ. Singapore sẽ là nơi có thể đưa ra những quyết định chiến lược thương mại và Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chủ chốt trong nhiều lĩnh vực”.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ Ngoại giao ASEAN-Mỹ đầu tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, chính quyền của Tổng thống Biden coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, theo Bangkok Post.
Mỹ đã tài trợ 160 triệu USD và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực ứng phó đại dịch và đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19.
ASEAN có tổng GDP là 3,2 nghìn tỷ USD và là nền kinh tế phát triển nhanh thứ ba trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thập kỷ qua, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 5,5%/năm và có khả năng vượt qua Ấn Độ, Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.
Bất chấp những thách thức của Covid-19, ASEAN vẫn là điểm đến đầu tư số một của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào ASEAN đã đạt 338 tỷ USD, vượt tổng số vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ do Mỹ sản xuất sang ASEAN trị giá lên tới 122 tỷ USD, ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc.
Các quốc gia ASEAN đã đầu tư hơn 24,9 tỷ USD vào Mỹ, dẫn đầu là Singapore (21 tỷ USD) và Thái Lan (2 tỷ USD). Ông Ashok Mirpuri, Đại sứ Singapore tại Mỹ cho biết, sự hỗ trợ của Mỹ đã giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do trong Đông Nam Á, tạo ra sự ổn định và thịnh vượng.
Theo Đại sứ Ashok Mirpuri, “sau khi thoát khỏi đại dịch, Mỹ nên làm việc với ASEAN để nhanh chóng thiết lập các tiêu chuẩn về an ninh mạng và nền kinh tế số”.
Bên cạnh đó, Mỹ và ASEAN cũng nên hợp tác chống biến đổi khí hậu. Các nước Đông Nam Á dễ bị tổn thương hơn hầu hết các nước trước biến đổi khí hậu và nếu không có hành động ngay lập tức, ASEAN sẽ dần bị mất vị thế.
ASEAN cần huy động khoảng 3 nghìn tỷ USD vào năm 2030 nếu muốn đáp ứng các cam kết đầy tham vọng trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, năm 2019, các nước trong Hiệp hội mới chỉ thống nhất khoản tài chính hằng năm là 40 tỷ USD, theo Bangkok Post.
Trang Bangkok Post trích lời ông Steve Chabot, nghị sỹ bang Ohio (Mỹ) cho rằng, hợp tác kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu giữa Mỹ và ASEAN. Thương mại cũng sẽ là yếu tố cần thiết cho sự phục hồi khi nền kinh tế thế giới bắt đầu mở cửa hơn nữa sau đại dịch.
“Đại dịch Covid-19 đã dạy chúng ta rằng, không thể quá phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với nguồn cung các sản phẩm thiết yếu. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các quốc gia có chung mục tiêu và nguyên tắc, bắt đầu với các thành viên của ASEAN”, ông Steve Chabot khẳng định.
Barbara Weisel, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương gợi ý, nên khởi động lại các diễn đàn kinh tế Mỹ-ASEAN. Mô hình các diễn đàn này đã được thúc đẩy dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Theo bà Barbara Weisel, diễn đàn doanh nghiệp là nơi các bên có thể thảo luận về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đặc biệt là về các hiệp định thương mại kỹ thuật số Mỹ-ASEAN. Nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN đang phát triển nhanh chóng, người dân ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến, điều này được thể hiện rõ nét trong bối cảnh dịch bệnh.
Giá trị của nền kinh tế số ở khu vực đã tăng 5% lên 105 tỷ USD vào năm 2020. Nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN được dự đoán sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025 với sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường trực tuyến, ứng dụng gọi xe…
Hơn 120.000 doanh nhân ở ASEAN đã nhận được sự hỗ trợ liên tục từ chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ kể từ năm 2011 thông qua các chương trình khác nhau, chẳng hạn như Liên minh Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN hay Học viện các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN trực tuyến.
Ông Karan Bhatia, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và chính sách công tại Google, cho biết, trong bối cảnh những thách thức do đại dịch gây ra, thương mại kỹ thuật số và tiện ích của Internet trong cuộc sống con người đã phát huy tác dụng.
8/10 người trên khắp Đông Nam Á nói rằng, công nghệ đã giúp họ vượt qua khủng hoảng thời dịch bệnh và 9/10 người có kế hoạch tiếp tục sử dụng ít nhất một dịch vụ số sau đại dịch. Phát triển kinh tế số bền vững là điều cần phải làm, Bangkok Post nói.
Bảo Trâm (Theo Bangkok Post)