Băng tan ở Bắc Cực khiến nhiều virus chết chóc thoát ra ngoài
Một nhà nghiên cứu người Pháp đã lấy mẫu virus 30.000 năm tuổi trong lớp băng mang về phòng thí nghiệm. Ngay sau khi được làm ấm, loại virus này lập tức sống lại mặc dù đã “ngủ đông” 300 thế kỷ.
Bà Sue Natali là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu. Vào năm 2012, khi đến khảo sát tại vùng Duvanny Yar (Siberia), bà đã tận mắt chứng kiến những tác động đáng sợ của quá trình biến đổi này.
“Sự tan băng nhanh chóng tại đây đã gây ra vụ sụp lún lớn nhất từng được ghi nhận. Đi kèm với đó là các hố sụt khổng lồ to như một tòa nhà cao tầng nằm giữa lãnh nguyên Siberia.
Điều này thật nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ về nó. Đi dọc bờ rìa các hố khổng lồ, bạn sẽ thấy được những vật thể như khúc cây chìa ra. Nhưng không, đó thật ra là xương của voi ma mút và các sinh vật khác thuộc kỷ Pleistocene”, GS. Natali cho hay.
Tuy nhiên, đó chỉ là những gì GS. Natali quan sát được. Kèm theo các hóa thạch là hàng tỷ tấn chất thải cacbon và khí metan vô hình, chưa kể tới thủy ngân độc hại và các mầm bệnh cổ xưa.
“Lượng cacbon này nhiều gấp đôi lượng có trong bầu khí quyển và nhiều gấp ba lần số cacbon được lưu trữ trong tất cả những cánh rừng già trên Trái đất”, bà Natali nói.
Hàm lượng cacbon tăng chắc chắn sẽ kéo theo sự nóng lên không thể kiểm soát của Trái đất. Không một quốc gia hay tổ chức nào có thể đo lường được con số chóng mặt này.
Tuy nhiên, khí metan và cacbon không phải thứ duy nhất thoát ra khỏi băng. Vào mùa hè năm 2016, một đoàn người du mục chuyên chăn tuần lộc đã đồng loạt bị ốm vì một căn bệnh bí ẩn. Mọi người bắt đầu truyền tai nhau về dịch bệnh vốn đã biến mất từ năm 1941.
Trong lần cuối cùng xuất hiện, nó đã cướp đi sinh mạng của một cậu bé và 2500 con tuần lộc trong vùng. Các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu và tìm tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn than. Chúng đã thoát ra từ xác tuần luật rã đông và xác nạn nhân tử vong vì dịch bệnh 75 năm trước.
Báo cáo về Bắc Cực năm 2018 cũng suy đoán rằng, các mầm bệnh từng gây kinh hoàng trong lịch sử như Cúm Tây Ban Nha, đậu mùa, dịch hạch vốn đã bị xóa sổ có thể được lưu trữ trong lớp băng tan.
Một nhà nghiên cứu người Pháp trước đó đã lấy một mẫu virus 30.000 năm tuổi trong lớp băng mang về phòng thí nghiệm. Ngay sau khi được làm ấm, loại virus này lập tức sống lại mặc dù đã “ngủ đông” 300 thế kỷ.
Bên cạnh các vi sinh vật, thủy ngân cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Bắc Cực là nơi chứa nhiều thủy ngân nhất trên hành tinh. Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ ước tính có tổng cộng 1.656.000 tấn thủy ngân bị giữ lại trong băng vùng cực.
“Thủy ngân sẽ làm nhiễm độc nguồn thức ăn không chỉ của con người mà còn của toàn bộ sinh vật sống trên Trái đất. Đây thực sự là một thảm họa”, GS Natali cho hay
Các nhà khoa học cho biết, Bắc Cực có thể “xanh” hơn sau khi lớp băng tan đi. Nhiều loại thực vật sẽ bén rễ và phát triển tại đây, sau đó giúp cân bằng lượng cacbon có trong bầu khí quyển.
Tuy nhiên, để đạt được trạng thái đó phải mất rất nhiều năm, chưa kể đến các nguy cơ như nhiệt độ Trái đất quá cao làm nước bốc hơi và tuyệt diệt mọi loại thực vật. Các virus và mầm bệnh lạ lại ngăn cản sự sinh sôi của động vật.
“Có quá nhiều thứ chúng ta phải làm ngay bây giờ”, bà Natali nói
“Những hành động của cộng đồng quốc tế sẽ có tác động đáng kể đến tình hình hiện tại. Chúng ta phải giữ lại càng nhiều băng vĩnh cửu càng tốt. Bắc Cực phụ thuộc vào chúng ta và chúng ta cũng phụ thuộc vào Bắc Cực”.
Trường Giang/VNN