‘Bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng’
Hôm qua là một ngày cân não với các chính sách đưa ra để chống lại dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng, thành phố có quy mô kinh tế lớn thứ ba của cả nước.
Các chính sách chống dịch khẩn trương
Chỉ sau có 3 ngày xét nghiệm ở riêng Bệnh viện Đà Nẵng đã phát hiện tới 14 người nhiễm virus và chưa tìm ra F0 chứng tỏ nguồn lây đang mất dấu và lây lan đã diễn ra trong cộng đồng, điều lâu nay ít ngờ tới do đã nghiêm ngặt đóng biên và cách ly người về từ nước ngoài. Những chính sách đưa ra với Đà Nẵng, vì thế, mang tính quyết định.
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19; “bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng”.
Tuy nhiên, thông báo chính thức về cuộc họp này đã nâng lên mức cao hơn khi yêu cầu các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến cần phải phong tỏa, cách ly và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020. Đối với các khu vực, địa bàn còn lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020.
Chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải duy trì kinh tế để mong tới ngày có vắc xin. Đó là chặng đường dài và đầy chông gai.Về phần mình, chính quyền Đà Nẵng thực hiện còn nghiêm ngặt hơn khi áp dụng chống dịch theo chỉ thị 16 tới 6 quận và thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện.
Như vậy, phần lớn thành phố Đà Nẵng sẽ quay lại thời cả nước chống dịch như từng diễn ra hồi tháng 3. Cụ thể, gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận, huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng,…
Đáng chú ý, cuối ngày hôm qua, Bộ Giao thông Vận tải ra thông báo 7286 về triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong buổi họp buổi sáng. Chỉ thị này yêu cầu: Với hàng không: dừng toàn bộ chuyến bay nội địa từ 00h ngày 28/7, đi và đến Đà Nẵng; Với đường bộ: dừng toàn bộ hoạt động vận tải liên tỉnh đi đến Đà Nẵng, trừ trường hợp đặc biệt; Với đường sắt: tạm dừng toàn bộ hoạt động tàu khách xuất phát và kết thúc tại ga Đà Nẵng; Với hàng hải, đường thuỷ nội địa: dừng chuyến tàu chở khách từ bờ ra đảo có điểm đến, đi là thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, những chính sách chống dịch khẩn trương trong ngày đưa ra cho thấy, Chính phủ và lãnh đạo Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp mạnh để chống dịch, dập dịch.
Cuộc chiến trường kỳ
“Khách du lịch tại Đà Nẵng khoảng 80 nghìn người, có thể khoảng 15-20 nghìn người từ Đà Nẵng sẽ trở ra Hà Nội, nguy cơ rất cao”, lãnh đạo Hà Nội đánh giá.
Đà Nẵng là nơi dịch bùng phát sau gần 100 ngày cả nước yên ả với virus nCoV và vì thế những chính sách chống dịch với Đà Nẵng rất đáng chú ý vì nó sẽ phản ảnh cách chống dịch với những địa phương khác nếu họ phát hiện thêm một vài ca dương tính.
Nền kinh tế vừa mới khởi động lại được một chút, Nhà nước và người dân mới dần yên tâm đi lại, hoạt động một chút thì lại cần tập trung chống dịch. Sức khỏe của nền kinh tế và cả tâm thức xã hội đến nay thật khó thích nghi được nếu dịch bệnh xảy ra, phải phong tỏa trên diện rộng trong thời gian dài.
Lâu nay, kể từ sau vụ bùng phát ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, chúng ta đã không thể xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng như nhiều quốc gia khác mà nguyên nhân chính có lẽ là do hạn chế về nguồn lực, vật lực.
Vì thế, chống dịch cũng là cách để cứu kinh tế. Mặt trận kinh tế là mặt trận của gần như tất cả thành viên cộng đồng.
Trong hỏa tốc số 6082/VPCP-KGVX chiều hôm qua, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục có biện pháp phù hợp hỗ trợ các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng, hoạt động đầu tư, thương mại. Công bố quy trình, thủ tục và thực hiện công khai minh bạch việc hỗ trợ các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc, khảo sát cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức người Việt Nam, công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, bị kẹt ở nước ngoài và các trường hợp đặc biệt khác… được về nước.
Như vậy, mặt trận kinh tế phải được duy trì song song với mặt trận chống dịch. Đó là một lựa chọn đúng đắn vì mới có mấy tháng chịu tác động của dịch Covid-19 mà đã gần 31 triệu người mất việc, dãn việc hoặc giảm thu nhập.
Chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải duy trì kinh tế để mong tới ngày có vắc xin. Đó là chặng đường dài và đầy chông gai.
Vì lẽ đó, chúng ta cần mang khẩu trang và thực hiện các biện pháp dãn cách xã hội để bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Ý thức của người dân đã được nâng cao hơn bao giờ hết sau khi trải qua các đợt dịch trước. Cùng chung tay với Chính phủ, hy vọng đợt dịch bệnh này ở Đà Nẵng sẽ được đẩy lùi.
Tư Giang/VNN