+
Aa
-
like
comment

Bằng giả nhưng hậu quả là thật

Diệu Hương - 17/09/2020 18:07

Sau phản ánh của nhiều tờ báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Công an kiểm tra, xử lý kiên quyết tình trạng mua bán bằng bác sĩ, chứng chỉ hành nghề giả.

Như thông tin mà Báo Thanh Niên đã đưa, chỉ với vài triệu đồng, người mua đã có trong tay một cái bằng giả, thậm chí các “đầu nậu” còn bao cả việc sao y bản chính trót lọt cơ quan công quyền. Ước tính hàng nghìn văn bằng giả đã được tiêu thụ trên thị trường.

Trong thời gian qua, có rất nhiều đường dây làm bằng cấp giả được Công an phát hiện, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu dạo qua các cổng trường đại học, học viện lớn, ai cũng thấy rất nhiều cửa hàng photocopy. Một vai trò thầm lặng của những cửa hàng này là bán đủ các loại tiểu luận, luận văn. Trên mạng cũng có rất nhiều trang công khai rao viết thuê, từ luận văn thạc sĩ đến tiến sĩ; rao bán bằng bác sĩ, cho thuê chứng chỉ hành nghề y dược và nhiều ngành nghề khác. Và dường như những cái chợ đặc biệt này, không lúc nào kém phần sôi động.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao có những cái chợ mua bán bằng giả các loại này? Câu trả lời cũng vô cùng đơn giản “có cầu thì ắt có cung, có người mua ắt có kẻ bán”.

Ai cũng thấy sự nguy hại của những cái bằng giả, bởi nó là phương tiện của những người không đủ năng lực, trình độ chiếm chỗ của những người xứng đáng. Bằng bác sĩ giả lại càng nguy hại, bởi một bác sĩ thực sự hành nghề được phải trải qua cả một quá trình cả chục năm học, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và nhiều kỹ năng khác. Thế mà với cái bằng giả, chỉ tích tắc một người rất kém chuyên môn hoặc không biết gì bỗng nhiên lột xác thành bác sĩ, nghiễm nhiên chẩn đoán, điều trị, kê đơn, thậm chí là tham gia phẫu thuật. Hậu quả đương nhiên là rất khôn lường, thậm chí trả giá bằng tính mạng của người bệnh.

Những chiếc bằng giả làm rất tinh vi vẫn có thể bị các cơ quan chức năng phát hiện. Nhưng có một tình trạng khác đang tồn tại nguy hại hơn, khó phát hiện hơn là bằng thật nhưng học giả. Đó là không ít người có tấm bằng thật trong tay nhưng là do họ thuê người đi học, rồi thuê viết luận văn, luận án. Cuối cùng là có bằng thật, nhưng kiến thức của các thạc sĩ, tiến sĩ đó bằng con số không tròn chĩnh.

Nguyên nhân của tình trạng bằng giả, kiến thức giả nhức nhối này ngoài lỗ hổng về quản lý, mấu chốt còn ở việc sử dụng bằng cấp, sử dụng con người. Người ta sẽ rất muốn trở thành giáo sư, tiến sỹ khi một giờ giảng của tiến sỹ được trả cao hơn một giờ giảng của thạc sỹ và giảng viên thường. Giảng viên là giáo sư được kéo dài thời gian làm việc tối đa là 10 năm. Ở bệnh viện, bệnh nhân khám chữa bệnh chọn giáo sư, tiến sĩ sẽ phải trả tiền cao hơn. Nếu có bằng cấp giáo sư, tiến sĩ sẽ dễ được cất nhắc lên các chức vụ cao hơn.

Với những cá nhân có năng lực và phẩm chất thực sự thì đây là chế độ rất đáng hoan nghênh. Nhưng với những người chỉ chạy theo danh xưng giáo sư, tiến sỹ thì cơ chế, đãi ngộ ấy đã đẩy họ vào cuộc chạy đua bất chấp đạo đức và luật pháp. Báo chí thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện Việt Nam có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại không có vị trí, chỗ đứng trên bản đồ khoa học quốc tế. Điều này không khỏi làm cho xã hội hoài nghi về chất lượng của các loại bằng cấp và học hàm, học vị, mất lòng tin vào những giá trị đích thực. Cùng với việc siết chặt, quản lý cấp bằng hiện nay bằng những quy trình chuẩn, điều quan trọng là cần có một cơ chế đánh giá con người bằng hiệu quả thực chất công việc chứ không phải là bằng cấp.

Chỉ những khi giá trị thật được khẳng định thì những giáo sư giấy, tiến sỹ giấy mới không có đất tồn tại.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều