+
Aa
-
like
comment

“Bằng giả” hóa “bằng thật”, chỉ tài năng, đạo đức vẫn là giả

Komi - 29/11/2020 18:07

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Lời dạy ấy đến nay vẫn luôn là kim chỉ nam để mỗi một cá nhân tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của bản thân; cũng là nguyên tắc vàng để một cơ quan, tổ chức xây dựng tổ chức, nội bộ. Ngặt nỗi, khi tài năng, và đạo đức được trọng dụng nhưng chưa có thước đo chuẩn mực, thì cơ hội của sự giả dối lại “lên ngôi”.

Đại học Đông Đô bị phát hiện cấp rất nhiều bằng giả

Chưa bao giờ mà vấn nạn “bằng giả” lại được đẩy lên đến cao trào, đỉnh điểm như thế. Mới thời gian nào, dư luận phải bàng hoàng khi một tín chỉ, bằng lái xe, bằng cao đẳng, đại học,… được giao bán với mức giá vài ba triệu đồng. Thay vì mất thời gian 4, 5 năm học vất vả trên ghế giảng đường, trải qua hàng loạt các bài kiểm tra năng lực để tốt nghiệp và nhận những tấm bằng cử nhân, kỹ sư,…. thì chỉ trong vài ngày, thậm chí đặt cọc tiền buổi sáng, đến chiều người mua có thể nhận một tấm bằng giả rồi đi xin việc làm, hoặc bổ sung cho đơn vị đang công tác. Công nghệ làm giả cùng những cơ sở làm giả (in ấn, chế tạo) tưởng chừng đã là “đỉnh cao” của dối trá. Nhưng không, làm giả xuất phát từ chính những cơ sở giáo dục thật mới là cú sốc khiến tất cả phải ngỡ ngàng.

Ngày 24/11, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường đại học Đông Đô. Theo đó, An ninh điều tra xác định Trường đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Bằng giả từ việc được in, ấn giả mạo từ những nơi làm giả nay được “nâng cấp” thành hình thức in, ấn thật, từ những nơi cấp bằng thật, chỉ có năng lực con người là giả. Không sử dụng công nghệ, bằng cách lợi dụng lỗ hổng trong cơ chế quản lý Nhà nước, tấm bằng giả đã được “phù phép” trở thành bằng thật, chỉ có đạo đức, tài năng con người vẫn chỉ là dối trá.

Bất công xã hội và nhiều hơn thế…

Vấn nạn bằng giả đã xuất hiện từ lâu, nhưng với sự “biến chuyển” của hình thái làm giả nêu trên thì tác động của nó đối với xã hội càng trở nên nghiêm trọng. Bằng giả khiến ranh giới giữa người có tài và người bất tài mờ nhạt đi, nhưng lại tô đậm thêm lằn ranh của sự bất công.

Thực tế, tuyển dụng đâu đâu cũng yêu cầu bằng cấp đủ loại, chuyên môn, tiếng Anh, tin học,… Vậy, sẽ ra sao nếu những người hy sinh gian khổ để có được tấm bằng cử nhân, tiến sĩ,… lại được xếp chung với những người “ngồi mát”, dùng tiền để mua bằng. Thậm chí, có những tình huống mà đồng tiền, quyền lực hay sự quen biết lên ngôi, người học thật, bằng thật, trình độ thật đến cuối lại “thua cuộc” trước những người học giả, bằng giả, trình độ giả.

Đáng ngại hơn, bằng cấp hiện nay cũng đang là một trong những yếu tố để các cơ quan Nhà nước xem xét tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Mà thực tế thì những tấm bằng giả đã giúp không ít những kẻ chưa đủ tài năng, đạo đức giả len chân vào bộ máy nhà nước ở nhiều địa phương.

Tại tỉnh Đắk Lắk, một nữ trưởng phòng dù chưa tốt nghiệp THPT nhưng dùng bằng giả để học lên cao và được thăng tiến bổ nhiệm suốt 20 năm trước khi bị phát hiện. Tại tỉnh Lai Châu, một trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu cũng bị tố dùng bằng THPT giả.

Quay trở lại với vụ việc tại trường Đại học Đông Đô, đối với 193 người được các bị can cấp bằng cử nhân giả, có đến 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 01 người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ. Dù danh tính chưa được công khai nhưng rõ ràng những tấm bằng giả đã giúp họ chen chân vào đội ngũ trí thức theo cái cách mà xúc phạm nghiêm trọng đến những trí thức có trình độ khác.

Tự hỏi, nếu những trường hợp thế này không bị phát hiện, xử lý mà tiếp tục tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước, được đưa ra những quyết sách ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội thì hậu họa sẽ đi về đâu. Vừa không có năng lực, vừa mất đi đạo đức bởi sự giả dối, đó chính xác là mầm mống của tham nhũng và suy thoái. Và nếu thời gian qua, nếu không phải là những con người ấy, có lẽ biết bao người thực tài, có đạo đức ngoài kia đã được cống hiến hết mình cho sự phát triển của nước nhà.

Bằng giả hay đúng hơn là những người mang đạo đức giả, tài năng giả đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Nó đã, đang và sẽ còn là thứ đẩy lùi sự sự phát triển của nền giáo dục quốc gia, làm rạn nứt công bằng, văn minh trong xã hội… Chừng nào tài năng, đạo đức thật, con người thật chưa được công nhận bằng những thước đo chuẩn mực đúng nghĩa, thì chừng đó bằng giả, đạo đức giả, tài năng giả vẫn còn tồn tại.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều