Bằng chứng cho thấy máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc rơi gần vùng biển của Việt Nam
Trung Quốc được cho là ngầm xác nhận vụ rơi máy bay quân sự tại biển Đông khi trong những ngày gần đây tổ chức tang lễ cho nhiều quân nhân thiệt mạng trong vụ việc.
Trong một báo cáo gửi cho Viện Lập pháp Đài Loan ngày 10.3, Cục An ninh Đài Loan cho rằng một máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc đã rơi tại Biển Đông và quân đội nước này tổ chức tập trận tại khu vực ngay sau đó thực chất là nhằm tìm kiếm cứu nạn.
Cũng theo vị này, chiếc máy bay gặp nạn là phi cơ săn ngầm Y-8 và cuộc tập trận của Trung Quốc (với một phần nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam) thực chất là hoạt động tìm kiếm – cứu nạn quân nhân.
Cho đến thời điểm hiện tại, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin xác nhận nào. Tuy nhiên theo SCMP, việc báo đài đưa tin về đám tang cho các quân nhân thiệt mạng dường như là một động thái xác nhận ngầm.
Một chuyên gia quân sự ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định chiếc Y-8 có thể đã gặp sự cố khi bay ở độ cao thấp.
Các hoạt động triển khai sonar hoặc thủy lôi từ máy bay Y-8 chỉ có thể được thực hiện ở độ cao dưới 150m so với mặt nước biển. Máy bay có thể đã gặp nạn do động cơ có vấn đề khi bay thấp.
Đến nay, quân đội Trung Quốc chưa công bố thông tin gì. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã tổ chức tang lễ cho một số quân nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay.
Ngày 21.3, tang lễ diễn ra tại tỉnh Sơn Đông và An Huy. Tại Sơn Đông, hai phi công Qiu Mingdian (36 tuổi) và Zhang Di (35 tuổi) được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đằng Châu, theo bài đăng trên tài khoản WeChat của chính quyền thành phố. Một tang lễ cũng được tổ chức cho phi công Wang Zhonghui (24 tuổi) tại huyện Kim Hương.
Tại An Huy, các đoạn video đăng trên truyền thông địa phương cho thấy tang lễ được tổ chức cho phi công Peng Bo (31 tuổi) và phi công Cao Lihao (25 tuổi). Ngoài ra, tang lễ của phi công Sun Honglin (29 tuổi) được tổ chức vào ngày 20.3 tại huyện Hoàng Hoa, tỉnh Hà Bắc.
Bài viết về tang lễ của các phi công Qiu, Zhang, Wang, Cao và Sun đều nêu rằng họ hy sinh vào ngày 1.3. Trước đó, Trung Quốc cũng tổ chức tang lễ cho 2 quân nhân khác tên Huang Gaoming (28 tuổi) và Zhou Xingyu (26 tuổi) được cho là thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Theo South China Morning Post, bia mộ của hai người này ghi là thành viên một đơn vị chống ngầm có trang bị máy bay Y-8 của quân đội và cả hai đều qua đời vào ngày 1.3.
Phiên bản mới nhất của máy bay săn ngầm Y-8Q được cho là có thể chở khoảng 10 người gồm phi công, người theo dõi radar, sonar và điều khiển vũ khí.
Vào chiều 4.3, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) bất ngờ đăng thông báo nói rằng sẽ tổ chức cuộc tập trận ở Biển Đông từ 18 giờ ngày 4.3 đến 18 giờ ngày 15.3. Thông báo được đăng trên website của MSA chỉ 16 phút trước khi cuộc tập trận bắt đầu.
Kết quả đối chiếu tọa độ của 5 địa điểm giới hạn khu vực tập trận được nêu trong thông báo lên Google Maps cho thấy một số điểm dường như nằm gần bờ biển thành phố Huế hơn bờ biển thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thông báo không nói rõ về quy mô cuộc tập trận, chỉ nói cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan.
Hôm 7.3, trả lời câu hỏi về hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Tùng Anh