+
Aa
-
like
comment

Bằng cấp, thực tài hay là nghệ thuật đánh bóng

26/11/2020 06:13

Chẳng ai lạ gì chân lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tiếc thay, đâu đó vẫn còn ưa nước sơn bóng bẩy, đẹp đẽ, nên sự giả tạo vẫn khó mà bị đánh bại…

Bằng cấp, thực tài hay là nghệ thuật đánh bóng - 1

Thông tin mới nhất đến vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô đã có tới 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả đã được cấp cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Theo đánh giá của cơ quan điều tra thì đây là vụ án có tính chất “đặc biệt nghiêm trọng” xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Không nghiêm trọng sao được khi mà có đến 55 người đã dùng bằng giả trên để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Phải nói là thật quá sức tưởng tượng!

Cứ cho là một số cá nhân không đạt yêu cầu về tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ và có nhu cầu làm giả nhằm không học mà vẫn có bằng (?!). Nhưng đến trình độ xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ rồi mà cũng phải dùng đến bằng giả thì đúng là… liều lĩnh, mà cũng đến là… tài tình thật!

Giả sử mà trót lọt, thế là xã hội chúng ta có thêm mấy chục tiến sĩ “rởm”. Những tiến sĩ này sẽ đóng góp được gì cho đất nước từ những “danh hão” của họ nhỉ?

Than ôi, chua chát, xót xa thay cho những ai đang “học thật, thi thật” đang trầy trật đến bạc tóc trên con đường học thuật, nghiên cứu!

Cũng theo kết luận điều tra, trong số 193 bằng giả nói trên chỉ có thông tin về trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.

Con số này nếu so với hệ lụy mà 193 tấm bằng giả có thể gây ra đúng là một mức giá “rẻ mạt”!

Mới cách đây ít lâu, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã cung cấp cho cử tri những thông tin mà có lẽ ai nghe tới cũng phải giật mình.

Người đứng đầu ngành công an cho biết, vừa qua đã chỉ đạo triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm làm, sản xuất, những đường dây làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả, thậm chí có những tổ chức quy mô rất lớn. Có những vụ thu đến 1.500 các mẫu dấu, các công cụ máy móc để phục vụ cho việc làm tài liệu giả, con dấu giả.

Mới thấy quy mô khủng khiếp của hoạt động này như thế nào.

Cá nhân người viết còn cho rằng, hoạt động này đã phát triển tới mức như một “ngành, nghề” vậy! Dù phạm pháp nhưng các đối tượng buôn bán bằng giả hoạt động ngang nhiên, công khai, thách thức cơ quan chức năng.

Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán bằng giả”, chỉ trong 0,5 giây, Google đã trả kết quả tìm kiếm lên tới 171 triệu đơn vị. Bên bán công khai website, số điện thoại, đáp ứng gần như tất cả các nhu cầu cho nhiều đối tượng khách hàng, cam kết “uy tín” và mức độ bảo mật. Một thị trường sôi động và cũng không kém phần cạnh tranh!

Thậm chí là chẳng cần tìm, cứ ngồi yên thì đội ngũ môi giới khách hàng cũng tìm đến. Trong số những tin nhắn “rác” mà người viết nhận được hàng ngày cũng không thiếu các lời chào mời mua bằng giả, chứng chỉ giả.

Vậy là, chả cần đến việc thi đầu vào, đầu ra, cũng không phải bỏ ra 4, 5 năm ròng tốn công tốn sức tìm tòi học hỏi. Một thương vụ với một số tiền hợp lý có thể giải quyết được nhu cầu bằng cấp. Bỗng dưng, những tấm bằng, chứng chỉ – vốn là “quả ngọt” trên chặng đường “dùi mài kinh sử” trở nên rẻ rúng chưa từng có!

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, có hai nhóm đối tượng sử dụng bằng giả: Một là làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo. Hai là, để phục vụ cho tuyển dụng cán bộ, đánh giá cán bộ, năng lực cán bộ… Như vậy, ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng những giấy tờ giả này.

Quả thực, rất khó chấp nhận sự tồn tại của những thứ giả tạo: Bằng cấp giả, đạo đức giả, dối trá… đó trong xã hội. Chúng ta lên án những kẻ lừa lọc, những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất mà vẫn cố chen chân vào đội ngũ lãnh đạo, chúng ta đòi hỏi phải có các hình phạt thích đáng, đủ sức răn đe với những tổ chức, đối tượng trong đường dây làm bằng giả…

Song cũng phải đặt câu hỏi: Vì sao tình trạng đó lại nở rộ như vậy? Có cầu mới có cung, cầu lớn thì cung nhiều.

Nếu xã hội không sính bằng cấp thì liệu còn có tình trạng các “trí thức giả” mua bằng cấp để tự đánh bóng bản thân?

Nếu các cơ quan, tổ chức đều có quy trình đánh giá, tuyển dụng chặt chẽ, minh bạch và trọng thực tài… thì liệu bằng giả và sự lươn lẹo còn có đất “dụng võ” hay không?

Chẳng ai lạ gì chân lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tiếc thay, đâu đó vẫn còn ưa nước sơn bóng bẩy, đẹp đẽ, nên sự giả tạo vẫn khó mà bị đánh bại…

Bích Diệp/DT

Bài mới
Đọc nhiều