+
Aa
-
like
comment

Bàn về phương thuốc “giảm đau kinh tế” của Thủ tướng

Đặng Trường - 09/07/2020 08:30

Với mục tiêu quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý hàng loạt vấn đề quan trọng, trong đó có việc tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhận định được tầm quan trọng của việc thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong thời điểm hiện tại.

Không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị: “Có nhiều vướng mắc như doanh nghiệp không vay được tiền, một số đối tượng không được hỗ trợ, yêu cầu các bộ ngành báo cáo ngay, kiến nghị cụ thể nên bỏ ngay những điều bất hợp lý và xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp, người dân”. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ đến vụ việc thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc “vòi tiền”, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của 54 đơn vị doanh nghiệp. Vụ việc từng gây rất nhiều bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực đến tâm lý của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bởi lẽ, thanh tra Bộ Xây dựng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có tuân thủ quy định về xây dựng hay không, quan trọng hơn là việc tìm ra, nắm bắt các khó khăn doanh nghiệp gặp phải, từ đó có những tham mưu, biện pháp để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng thay vì làm điều đó thì chính đơn vị này lại gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở doanh nghiệp phát triển.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tung hoành trên toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít ỏi quốc gia chứng minh được đây là đất nước an toàn, tạo được niềm tin, an tâm đầu tư. Từ sự quyết liệt cách ly tập trung, cách ly xã hội, làm chủ tình hình, không để bất kỳ ai bị bỏ rơi hay tử vong, đón đồng bào từ các nước trở về đến việc đẩy lùi dịch bệnh sớm hơn hẳn các cường quốc kinh tế phát triển khác. Để rồi từ đó, Việt Nam lọt vào mắt xanh của những ông trùm kinh tế trên thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều “ông lớn” dời đại bản doanh khỏi thị trường Trung Quốc và “nhắm” sang Việt Nam. Sau Google chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel thì Amazon và Home Depot cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Và đến nay, Apple quyết định di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Google chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel.

Theo thông tin được biết, hiện có khoảng 50 công ty đa quốc gia, cả trong và ngoài Trung Quốc đã quyết định hoặc lên kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất. Trong cuộc đại chuyển dịch này, cơ hội chia đều cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, song Việt Nam có nhiều lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thêm “con át chủ bài” chống dịch Covid-19 thành công vừa qua thì cánh cửa mở ra chào đón nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp nhận hàng loạt dây chuyền sản xuất, công nghệ, kỹ thuật, kỹ sư giỏi và “món hời” hậu hĩnh nhất chính là hàng trăm hàng nghìn người lao động Việt Nam có việc làm, tăng nguồn thu nhập. Tăng trưởng GDP là ở đây chứ đâu! Chưa kể, công tác đẩy lùi dịch sớm đã tạo nền tảng cho nhiều doanh nghiệp trong nước khôi phục lại trạng thái sản xuất kinh doanh bình thường. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc với 13.700 doanh nghiệp, tăng 27,9% so tháng trước. Vì vậy, nếu Việt Nam tiếp tục tạo được môi trường thông thoáng, thủ tục pháp lý gọn nhẹ, tạo được sự an tâm cho doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư thì tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2020 sẽ có rất nhiều sự thay đổi bất ngờ.

Cơ hội nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài dịch chuyển đến Việt Nam.

Là người nắm bắt, nhận định sâu và xa vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh chóng yêu cầu tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp và đề nghị các bộ, ngành địa phương đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật cụ thể, cắt giảm thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế khuyến khích mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ tạo được động lực phát triển”. Chính vì vậy, mệnh lệnh thép “xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp, người dân” như một liều thuốc tinh thần và cũng là đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Còn nhà đầu tư nào đang còn đắn đo thì sau đó cũng tự tin đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời cũng sẽ ngăn chặn tối đa trường hợp vòi tiền doanh nghiệp như thanh tra Bộ Xây dựng trước đây. Đó chính là tất cả những gì mà Chính phủ và cả đất nước ta mong muốn.

Thủ tướng kiên quyết không để nạn vòi tiền doanh nghiệp làm cản trở tăng trưởng kinh tế.

Không phủ nhận sau dịch Covid-19, nền kinh tế của nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn. GDP nửa đầu năm 2020 ước tính khoảng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, đây là thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8%. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện để kích thích doanh nghiệp sản xuất, tái sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần như là phương thuốc “giảm đau nền kinh tế” hiện tại và là chìa khóa giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu kinh tế năm 2020.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều