+
Aa
-
like
comment

Bàn về “Hiệp định dẫn độ Việt – Trung”

Hà Nhiên - 25/09/2019 13:47

Những ngày qua, nhiều ý kiến bàn tán xôn xao về “Hiệp định dẫn độ Việt – Trung” đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn vào hôm 26/8. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại rằng Hiệp định dẫn độ trên sẽ biến Việt Nam thành “miền đất hứa” cho tội phạm người Trung Quốc. Âu cũng là điều dễ hiểu, nhất là sau những thông tin về việc cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành dẫn độ, bàn giao các đối tượng người Trung Quốc phạm tội tại Hải Phòng. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào đó để buông lời công kích hiệp định và quy kết rằng “Chính phủ đã che giấu thông tin với người dân khi ký chui Hiệp định với Trung Quốc” thì quá vội vàng  và dễ dẫn đến những nhận định sai lệch. 

Được biết, các quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu về dẫn độ tội phạm và đã có những quy định về dẫn độ tội phạm từ rất sớm. Khái niệm dẫn độ tội phạm cũng như quy định về vấn đề này xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX. Ngày nay, trên thế giới, các quy định về dẫn độ tội phạm không chỉ đơn thuần được đề cập trong các điều ước quốc tế đa phương/song phương mà còn được các quốc gia thể chế hóa trong quy định pháp luật của chính quốc gia mình.

Tại Việt Nam, vấn đề dẫn độ tội phạm được bắt đầu đề cập từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đầu tiên được thể hiện trong các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, gia đình và hình sự mà Việt Nam ký kết với một số quốc gia, trong đó có quy định về dẫn độ tội phạm. Đặc biệt, được thể hiện trong Hiệp định dẫn độ mà Việt Nam ký kết với Hàn Quốc, với Ấn Độ, và hiện nay đang đàm phán để ký kết với một số quốc gia khác.

Ngoài ra, dẫn độ tội phạm còn được quy định ngay từ trong Luật Quốc tịch 1998, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, đặc biệt vấn đề này cũng đã được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật chuyện ngành – Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, tính đến tháng 8/2019, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ và là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong đó có quy định về dẫn độ với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc dù chưa ký Hiệp định dẫn độ nhưng đều đã cùng thống nhất về lộ trình đàm phán, xây dựng và có thể tiến tới ký kết. Thông tin cũng tiến trình đàm phán được thông tin rất rõ trên truyền thông, tất cả đều được kiểm chứng chỉ trong 1 thao tác. Điều này cho thấy rằng, hoàn toàn không có chuyện “Chính phủ ký chui” như tin đồn.

71573250_138643430744291_8897655259158020096_n

Thứ nhất , quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam xem quy định về người nước ngoài phạm tội.

Tại Khoản 2 Điều 5 Bộ luật hình sự 2015 có quy định:

2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, việc dẫn độ người có hành vi phạm tội về Trung Quốc là không trái với pháp luật hình sự Việt Nam.

Thứ 2, Luật tương trợ tư pháp Việt Nam quy định về dẫn độ:

Điều 33 Luật tương trợ tư pháp 2007 có quy định

Điều 33. Trường hợp bị dẫn độ

1. Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

2. Hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

3. Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Với hành vi tổ chức đánh bạc, chiếu theo các quy định hiện hành, việc dẫn độ 400 nghi can người Trung Quốc về nước là đúng với Luật định.

Thứ 3, Điều 1 – Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc quy định, các bên có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động tư pháp hình sự, dân sự trong đó bao gồm việc Điều tra, thu thập chứng cứ.

Vụ án tổ chức đánh bạc này được phát hiện ở Việt Nam, nhưng tại Trung Quốc cũng đang tổ chức điều tra. Chính vì vậy, việc Việt Nam tương trợ Trung Quốc, bàn giao nghi can trong vụ án này để phục vụ quá trình điều tra là đúng với những gì đã thỏa thuận.

Thứ tư, nhiều bạn cho rằng trong Hiệp định tương trợ tư pháp không có quy định về việc dẫn độ nên Việt Nam không có nghĩa vụ phải dẫn độ. Nhận định này nghe có vẻ đúng nhưng chưa được xem xét đầy đủ và toàn diện. Bởi trong hoạt động tương trợ tư pháp, ngoài các hiệp định song phương, các nước phải tôn trọng Điều ước quốc tế mà các bên cùng tham gia kí kết. Ở đây, Việt Nam và Trung Quốc đều là thanh viên của Liên hiệp quốc, mà Liên hiệp quốc đã có Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Hành vi tổ chức đánh bạc đều bị pháp luật hình sự Việt Nam và Trung Quốc quy định là tội phạm, như vậy việc dẫn độ nghi can về Trung Quốc theo yêu cầu tương trợ tư pháp của Trung Quốc là KHÔNG TRÁI VỚI PHÁP LUẬT VIỆT NAM, KHÔNG TRÁI VỚI HIỆP ĐỊNH SONG PHƯƠNG ĐÃ KÝ KẾT VÀ ĐẶC BIỆT KHÔNG TRÁI VỚI ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ mà các bên cùng tham gia.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, ma túy… thì vấn đề hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có việc ký kết các hiệp định quy định về dẫn độ tội phạm là một xu thế tất yếu. Vấn đề này không chỉ đặt ra đối với Việt Nam mà còn cả với các nước trên thế giới.

Mặc dù có một thực tế đã được các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh trong thời qua đó là tình hình tội phạm người Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp và rất đáng báo động, nếu không có những giải pháp thực sự căn cơ thì số lượng các vụ án, đối tượng vi phạm, quy mô, tính chất, mức độ phạm tội sẽ không dừng lại đó. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể vội vã và thiếu khách quan đổ thừa cho quy chế dẫn độ tội phạm là nguyên nhân chính mà không xem xét dưới những góc độ khác nhau để nhìn nhận sự việc một cách khách quan, công bằng và thấu đáo hơn.

Hà Nhiên

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều