+
Aa
-
like
comment

Bàn về Đạo thầy trò nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Diệp Vấn - 11/10/2020 17:39

Dân tộc ta có truyền thống: “Tôn sư trọng đạo”, nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển. Từ xưa, ca dao đã có câu:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Được coi trọng như vậy bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực, đạo lý và người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống quý báu lâu đời của dân tộc Việt Nam, không chỉ riêng ở nước ta mà bất cứ các dân tộc nào trên thế giới đều thấy một quan niệm là đề cao vai trò vị thế người thầy giáo, cô giáo, tôn vinh hình tượng Nhà giáo trong mọi thời kỳ lịch sử. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm song từ trước tới nay nhân dân ta vẫn luôn dành cho thầy giáo, cô giáo những tình cảm, những lời lẽ tốt đẹp nhất. Đề cao đạo lý “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hình ảnh nhà giáo trong con mắt lớp lớp các thế hệ học trò thật đẹp, thật tuyệt vời biết bao, bởi họ là những kỹ sư tâm hồn, có lòng nhân ái bao dung độ lượng vì vậy luôn được xã hội tôn vinh và kính trọng. Quách Mạc Nhược, học giả nổi tiếng của người Trung Quốc đã từng nói “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng tròn rồi khuyết, nhưng ánh sáng mà người thầy rọi vào ta sẽ còn mãi mãi trong suốt cuộc đời”.

Đã biết bao ngày, bao tháng, bao năm, lớp lớp học trò vẫn đặt hai chữ “Tôn sư” bên hai chữ “Trọng đạo” như khắc tạc một niềm tri ân. “Tôn sư trọng đạo” luôn là một truyền thống, một ứng xử đạo đức được bảo lưu và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ tiếp sau. Đó vừa là bổn phận, vừa là đạo đức và văn hóa trên bước đường khám phá và chinh phục kho tàng tri thức của nhân loại.

Ở thời đại nào cũng vậy, học tập là con đường để tìm hiểu và khám phá, mỗi người sinh ra, lớn lên cũng đều cần đến sự học. Học, học mãi, học đến cả đời, học ở mọi lúc, mọi nơi. Và dù học dưới hình thức nào đi chăng nữa thì người thầy vẫn luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Vì thế, địa vị của người thầy trong xã hội luôn được nâng cao. Giáo dục vẫn luôn cần có thầy. Thầy là người khai tâm, khai trí, truyền thụ kiến thức cho ta từ tấm bé, giúp ta nên người. Thành công của trò có một phần lớn công lao của thầy cô giáo. Chính bởi lẽ đó mà trong quan hệ thầy trò còn mang trong mình một vị thế đặc biệt hơn. Thầy yêu trò, tận tâm tận lực với trò. Trò kính thầy, chăm chỉ học tập và luyện rèn tri thức. Đó liệu đã phải là “đạo” chưa? Có thể, nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn nó bao hàm tất cả phép ứng xử trong quan hệ thầy trò mới chính là “Đạo” theo đúng nghĩa.

Đạo thầy trò tuy ở mỗi thời biểu hiện mỗi khác, song đều lấy sự tôn kính làm đầu. Xưa, trò xem thầy như cha, (chữ “sư” thường gắn cùng chữ “phụ”). Sự tôn kính của học trò đối với thầy chính ở trong cách cư xử đã trở thành khuôn mẫu. Chữ “tâm tang” đã nói thay cho biết bao thế hệ học trò. Khi mà người thầy đáng trọng vĩnh viễn ra đi, học trò cũng để tang 3 năm, chỉ khác một điều là không mang tang phục, nhưng trong trái tim của những trò kia, họ vẫn canh cánh bên lòng, thường trực cả trong bữa ăn, giấc ngủ là dáng hình thân quen, bao dung của người đã truyền thụ tri thức, người khai tâm, khai trí cho mình.

Ngày nay, có lẽ còn rất ít học trò biết được truyền thống mà ông cha ta đã gây dựng từ ngàn xưa này để ghi nhớ công ơn những người thầy giáo. Tuy học trò không nhất thiết phải để tâm tang thầy ba năm khi thầy mất, song, đạo thầy trò vẫn không thể mất đi. Sự gắn bó giữa thầy và trò nếu chỉ ràng buộc bởi chữ “đạo” không thôi sẽ không thể tới mức keo sơn được. Nhưng nếu chữ “đạo” gắn với chữ “tình” thì giữa thầy và trò đã là một mối giao hòa tình cảm, cao hơn, đó còn là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đạo thầy trò được xuất phát từ “tình thầy trò”, bởi khi thực thi chữ “đạo” ấy cũng phải là khởi nguồn của chữ “tình”. Và thật ra, giữa “Đạo” và “Tình” không thể phân biệt rạch ròi. Nó phải là sự hài hòa giữa phép tắc và tình cảm trong cùng một hành vi ứng xử, để tạo nên ứng xử ấy vừa đúng mực, vừa chân thành.

Ngược dòng thời gian, trở lại với truyền thống dạy học ngày xưa, gia đình nào khá giả thì mời thầy về ở cùng gia đình để chăm lo sự học cho con cháu. Gia đình nào khó khăn hơn thì gửi con cháu mình sang nhà thầy để thầy khai tâm, khai trí. Dưới cùng một mái nhà, cùng hòa điệu tâm hồn với những vần thơ, câu đối, với những bài học về đạo lý làm người. Chữ “đạo” ấy, chữ “tình” này quấn quýt với nhau như một lẽ tự nhiên. Nhà bác học Lê Quý Đôn có nhận định rằng: Trong một xã hội, mà trò không kính thầy, con không kính cha mẹ là dấu hiệu của sự suy vong. Lời người xưa không thể xem thường. Dù thời đại ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhưng chúng ta vẫn phải khẳng định rằng: nghề dạy học là một nghề đặc biệt, và càng đặc biệt hơn vì đó là nghề “trồng người” ở thời đại văn minh trí tuệ. Vì vậy, xã hội phải biết trân trọng, tôn vinh người thầy đi đôi với việc thực hiện những chính sách, chế độ thoả đáng đối với đội ngũ giáo viên. Mặt khác, mỗi thầy, cô giáo cần thấy rõ vinh dự và trách nhiệm của mình để giữ trọn đạo lý làm thầy, luôn trau dồi nghề nghiệp cũng như phẩm chất đạo đức xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, sự kính trọng của những người học trò đối với các thầy cô giáo. Hướng về các thầy, các cô với tấm lòng thành kính, những học trò hôm qua và những học trò hôm nay đã, đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lý: Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Với ý nghĩa ấy, chúng ta hãy trân trọng kính dâng lên các thầy, các cô những đóa hoa thành tích tươi thắm cùng lời chúc thầy cô dồi dào sức khỏe, hạnh phúc. Mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh cần phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo vào hoạt động cụ thể của mình trong quá trình dạy và học, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo không ngừng phát triển.

Diệp Vấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều