+
Aa
-
like
comment

Bàn về con số 459.000 tỷ đồng mà Chính phủ dự định vay

Thế Khoa - 28/10/2019 18:52

Mới đây, Chính phủ gửi báo cáo cho Quốc hội về vấn đề tài chính, dự định sẽ vay thêm khoảng 459.000 tỷ đồng. Vậy con số này vay về với mục đích để làm gì? 

Thi công đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông trên địa bàn huyện Củ Chi

Nhìn vào con số trên thì đúng là quá lớn, nhưng thật ra trong số 459.000 tỷ đi vay này, sẽ dành hơn 217.000 tỷ để trả nợ gốc ngân sách trung ương; 9.100 tỷ đồng để nhận nợ bảo hiểm xã hội; và khoảng còn lại 217.000 tỷ mới là để bù đắp bội chi ngân sách trung ương.

Thời gian qua Chính phủ có nhiều biện pháp để cắt giảm chi tiêu, con số bội chi đã giảm dần theo từng năm. Nợ công so với GDP giảm từ mức 63,7% vào năm 2016 xuống còn 56,1% hiện nay; dự báo đến cuối năm 2020 nợ công còn khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.

Ngân sách nhà nước các năm đều vượt dự toán nhưng thiếu nhân tố bền vững. Ngay như thông tin tổng thu ngân sách nhà nước năm nay dự kiến vượt 46.000 tỷ đồng tương đương 3,3% dự toán cũng không phải là tín hiệu đáng mừng vì nguồn thu chưa chắc chắn và số thu thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, các khoản thu có ý nghĩa quan trọng như DNNN, DN FDI, DNTN đều không đạt dự toán và tổng số hụt thu khoảng 23.000 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thu từ các khu vực trên không đạt, mặc dù số thu Quốc hội giao đã giảm so với 3 năm trước. Ở chiều ngược lại, việc tăng thu ngân sách so với dự toán chủ yếu dựa vào thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước (tăng 40,8%), thu tiền sử dụng đất (tăng 29,9%), thu xổ số kiến thiết (tăng 6,2%)… những khoản thu này kém bền vững.

Bốn chữ “cân đối ngân sách”, nói dễ nhưng thật sự chẳng dễ dàng chút nào. Khi mà nguồn thu đóng vào ngân sách không đáp ứng nhu cầu chi tiêu của một đất nước ở giai đoạn đang phát triển, cần đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, an ninh xã hội. Không thể tự dưng mà ta có đường để đi, có bệnh viện để khám chữa bệnh; có cầu bắc qua những con sông; có trường học cho con em chúng ta biết con chữ; những đường dây tải điện về với từng thôn, bản làng xa xôi…

Cầu Nhật Tân được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản

Thực tế thời gian qua nhờ nguồn vốn vay mà Việt Nam có các: dự án đường cao tốc Nội Bài Lào Cai, Dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh Long Thành Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân Nội Bài, Nhà ga hành khách quốc tế T2 Sân bay Nội Bài… Còn trong lĩnh vực năng lượng thì có Dự án điện Phả Lại, Hàm Thuận Đa Mi, Phú Mỹ, Ô Môn; dự án đường dây truyền tải điện quốc gia; các dự án điện nông thôn; Dự án đường dây 500KV Pleiku Mỹ Phước Cầu Bông; các dự án lưới điện góp phần nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải, phân phối, quản lý hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp… đây đều là những dự án trọng điểm quốc gia từ nguồn vốn vay. Những dự án trên đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của kinh tế đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân, có ý nghĩa không thể phủ nhận.

Thi công đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông trên địa bàn huyện Củ Chi

Thêm nữa, theo thống kê của một tổ chức thế giới thì hiện nay chỉ có 25/178 vùng quốc gia là có mức chi ngân sách dương [xem tại đây]. Có thể thấy, vay nợ là điều bình thường ở nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhìn vào những dẫn chứng trên thì đúng là con số mà Chính phủ dự định vay không đáng lo ngại khi nằm trong kế hoạch. Thế nhưng vấn đề dư luận thắc mắc không phải là ở con số nợ mà là cách quản lý sử dụng vốn vay ra sao? Liệu con số này đã dừng lại hay chưa, khi mà nền kinh tế với bao dự án lớn không thể không làm vẫn đang khát vốn? Khi mà nhiều dự án vắt qua mấy nhiệm kỳ vẫn còn đang dang dở như: hàng chục nghìn tỷ đổ vào dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông mà sau chục năm trời vẫn nằm phơi mưa nắng; Hàng nghìn tỷ đổ vào đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vẫn chưa có lối ra; hay 12 dự án làm ăn thua lỗ của ngành Công Thương đến hết tháng 6/2019 với tổng số nợ là hơn 20.600 tỷ đồng… Sử dụng vốn vay buông lỏng như vậy hỏi sao dư luận không bức xúc? Rồi chuyện giải ngân vốn năm nay cũng hết sức lẹt đet, trong 3 quý mà chưa đạt nổi một phần ba kế hoạch của Thủ tướng giao, khiến đồng vốn vay tưởng rẻ nhưng hóa ra đắt đỏ.

Rồi những sai phạm nghiêm trọng trong thương vụ Mobifone mua lại cổ phần AVG đã làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước hơn 6.500 tỷ đồng. Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Chính phủ cho hay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 122.029 tỷ đồng; qua thanh tra phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng và trên 819 ha đất… Những con số đó lẽ ra đã góp phần cho ngân sách đầy đặn lên, giảm áp lực phải vay nợ thêm.

Đường 250 tỷ ở Gia Lai vừa làm đã nứt đang trở thành điểm đen tai nạn giao thông

Người dân có câu tục ngữ “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Tiếc rằng, việc “ăn dè hà tiện” có nơi, có chỗ đang làm ngược lại vì tư tưởng nợ cả nước mới lớn chứ chỗ mình thì đáng bao nhiêu. Cứ nhìn lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long chi 200 tỷ hay cán bộ Sóc trăng chi 1 tỷ cho việc lắp camera; rồi trụ sở Thành ủy Đồng Hới trăm tỷ vừa xây xong đã nứt; hay đường 250 tỷ ở Gia Lai vừa làm đã nứt đang trở thành điểm đen tai nạn giao thông; những con đường chục tỷ làm xong chỉ để cho trâu bò đi… sẽ hiểu việc cán bộ sử dụng ngân sách phóng tay, lãng phí đến mức nào.

Đã vậy, việc phải nuôi một bộ máy hành chính quá cồng kềnh đã khiến ngân sách nhà nước trở nên eo hẹp hơn, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Chính những lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã khiến không ít những dự án đầu tư công mất rất nhiều thời gian mới được triển khai, dẫn đến tình trạng chất lượng cơ sở hạ tầng không đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế.

Và thế là trăm dâu đổ đầu… Chính phủ, cũng chính là đổ đầu người dân!

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều