Bàn về câu nói “nhục lắm” của ông Đoàn Ngọc Hải
Nhắc đến ông Đoàn Ngọc Hải, hẳn mọi người sẽ nhắc đến một vị cựu Phó chủ tịch UBND quận 1 hết lòng vì mọi người, được đông đảo người dân trên cả nước yêu mến. Vừa qua, trong một chuyến thiện nguyện giúp đỡ người dân gặp khó khăn, ông có đăng dòng trạng thái “Các bạn trẻ thời bây giờ nhớ đừng bao giờ để vợ mình như thế này, để vợ khổ là nhục lắm”. Dòng trạng thái của ông, đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Dưới bài đăng của ông Hải, có rất nhiều ý kiến trái chiều, người đồng tình, có người lại phản bác ý kiến của ông. Có nhiều người cho rằng điều ông nói là hoàn toàn đúng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông đang tỏ ra hơn người, đạo đức giả lên giọng dạy dỗ mọi phải sống như ý mình muốn.
Tuy nhiên, có thể hiểu điều ông muốn nói là muốn đấng mày râu có thể hiểu thêm được những khó khăn, vất vả mà người phụ nữ của mình phải trải qua. Ý kiến nhận xét của ông Đoàn Ngọc Hải không sai, nhưng cách dùng từ của ông có thể sẽ gây ra hiểu nhầm.
Thực tế cho thấy rằng trong cuộc sống này sẽ không có một người đàn ông chân chính nào muốn vợ mình khổ sở, vất vả, nhưng do hoàn cảnh bắt buộc, do cuộc sống mưu sinh, thậm chí cái nghèo, cái đói đã làm cho họ thay đổi. Sự khắc nghiệt của cuộc sống đã làm cho họ trở nên cộc cằn hơn, nóng tính hơn. Họ phải trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn để chịu được áp lực cuộc sống, chịu được gánh nặng về cơm áo gạo tiền. Trên đôi vai của người đàn ông giờ đây không chỉ gánh vác việc gia đình mà còn phải chịu rất nhiều áp lực. Nhưng họ lại đang dần quên đi mất một điều rằng phía sau họ còn có vợ, còn có một gia đình nhỏ đầy yêu thương.
Từ “khổ” ở đây cũng sẽ được hiểu với rất nhiều nghĩa khác nhau. Khổ cũng có thể là những vất vả, những khó khăn, thiếu thốn về vật chất ở trong cuộc sống. Theo một hàm nghĩa khác thì ở đây khổ là về tinh thần, về những chịu đựng, những vất vả mà người phụ nữ trong gia đình phải trải qua nhưng những gì họ nhận lại là sự thờ ơ, vô tâm của những người đàn ông. Vì vậy từ “khổ” được sử dụng ở đây đã làm cho một số hiểu nhầm, dẫn đến việc có những ý kiến trái chiều.
Bên cạnh đó thì mỗi người đàn ông đều có lòng tự trọng rất lớn và đôi khi câu nói này đã động chạm đến họ, họ cảm thấy mình là một người chồng, một người đàn ông vô dụng, bất tài khi đã để cho người phụ nữ của mình phải chịu khổ.
Câu nói của ông Đoàn Ngọc Hải không hề có ý xúc phạm hay nhục mạ ai, mà đây chỉ là lời tâm sự, lời nhắc nhở của những người đàn ông với nhau. Thông qua đó, ông muốn những người đàn ông có thể hiểu hơn về những vất vả, những khó khăn và sự hy sinh thầm lặng của vợ mình để có thể thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Mỗi người đàn ông hãy luôn yêu thương vợ mình hơn và hãy luôn nhớ rằng dù cuộc đời có khó khăn ra sao, giông bão ngoài kia có lớn như thế nào thì ở sau lưng họ luôn có một gia đình và ở đó đầy ắp tình yêu thương.
Một phần câu nói của ông Đoàn Ngọc Hải gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận là do có bộ phận người trong xã hội không có chính kiến riêng với tư tưởng chạy theo đám đông. Sự ra đời của mạng xã hội mang đến con người rất nhiều thay đổi lớn, tại đây mỗi người có thể tự do chia sẻ, đăng tải những suy nghĩ và hình ảnh mình mong muốn. Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội đem lại những cuộc sống “ảo”, tại đây họ sẵn sàng bán đứng đi chính suy nghĩ hành động của bản thân mình với mục đích là câu view, câu like. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi vì vậy mỗi người cần sử dụng một cách hợp lý và luôn luôn lắng nghe và giữ chính kiến của bản thân mình.
Huyền Trang
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.