+
Aa
-
like
comment

Bàn về câu nói “không thể để tình trạng trên bảo dưới không nghe”

Trương Tử Vy - 21/09/2021 17:15

Khi Nghị quyết 128 được ban hành, người dân cả nước ai nấy cũng vui mừng, quyết thực hiện đúng với sự chỉ đạo của Chính phủ với hy vọng sẽ được quay trở lại cuộc sống bình thường sau khoảng thời gian dài gồng mình chống dịch. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa đồng nhất trong biện pháp chống dịch, chưa đồng điệu cùng nhịp đập cả nước. Nêu lên thực trạng đó, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã nói “nhất quyết không để xảy ra tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’”.

Nghị quyết 128 đang dần đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Thái độ kiên quyết thực hiện theo “Nghị quyết 128 – Hướng tới bình thường mới” của ông Lưu Bình Nhưỡng là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Nghị quyết mới ra đời cũng là lúc nước ta đã khống chế được phần nào đó dịch bệnh, người dân đã có thể quay trở lại cuộc sống bình thường một cách an toàn sau những tháng ngày chống dịch mệt mỏi. Đó được coi như một động thái tích cực đến từ các cấp lãnh đạo Trung ương, cho thấy Chính phủ đã và vẫn đang quan tâm đến đời sống của Nhân dân trong nước. Vậy tại sao chúng ta không cùng thực hiện theo nghị quyết và cùng Nhà nước khắc phục những bất cập đã xảy ra?

Ở đây, chúng ta không phê phán bất kỳ địa phương nào. Mỗi nơi sẽ có nỗi khổ riêng, không phải khu vực nào cũng nằm trong vùng xanh an toàn. Tuy vậy, không thể vì một cá nhân hay tổ chức mà làm ảnh hưởng đến tình hình chung của dân tộc. Như ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đã nói: “Không thể vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác”.

Đất nước ta từ xưa vốn đã nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, chưa kể đến việc từ khi có đại dịch xuất hiện, việc chống dịch còn được đặt ngang hàng với chống giặc ngoại xâm. Chính vì vậy, việc làm ảnh hưởng đến tình hình chung của dân tộc chỉ vì một câu chuyện cá nhân hay của mỗi địa phương được xem như là hành động đi trái với truyền thống của nước nhà. Đối với cương vị là một lãnh đạo, hành vi này đáng để lên án và loại trừ vì đó là sự thiếu quyết đoán và thiếu sáng suốt của những người đứng đầu bộ máy công quyền.

Có thể thấy, việc khắc phục hậu quả do đại dịch gây ra một cách sớm nhất là thành quả của sự đồng lòng từ Nhân dân đến các cấp địa phương, cấp Trung ương. Chúng ta đã cố gắng hết sức mình với hy vọng mang cuộc sống ổn định trước đây quay trở lại. Vậy tại sao khi có cơ hội chúng ta lại chọn cách từ chối? Người dân thì chọn tuân theo chỉ đạo của cấp địa phương nhưng cấp địa phương lại không nghe tiếng gọi chung của cả nước. Phải chăng đây là sự thiếu lòng tin của các nhà lãnh đạo trong việc phòng chống dịch? Cấp lãnh đạo địa phương đã thật sự lắng nghe nguyện vọng của người dân hay chỉ đang ám ảnh tác hại của dịch bệnh và đang đè nặng một cách thái quá tính chất nguy hiểm mà dịch Covid-19 đem đến?

Cấp lãnh đạo địa phương cần hiểu rõ, nguyện vọng của Nhân dân là trên hết. Chính vì thế, với cương vị là một người đứng đầu của một khu vực, lãnh đạo cần phải lắng nghe và sàng lọc để có thể đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất! Thay vì vẫn cứ mang thái độ dè chừng, sợ khó khăn để rồi dẫn đến tình trạng bất bình trong lòng người dân.

Trong suốt những ngày thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, đã có không ít các trường hợp chính quyền địa phương thiếu sáng suốt, thiếu sự thấu tình đạt lý dẫn đến những vụ việc gây tranh cãi. Điển hình như cách đối đáp “bánh mì không phải lương thực” của Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa (Nha Trang, Khánh Hòa) đã khiến nhiều người bất bình. Đó là dấu hiệu của việc những người lãnh đạo vẫn còn cách làm cứng nhắc mà không lắng nghe ý kiến chung, gây nên sự bất bình trong cộng đồng. Điều nguy hại là các sự việc đó đã trở thành cơ hội để những thế lực phá hoại chia rẽ tình đoàn kết, làm mất lòng tin giữa người dân và chính quyền.

Hành động miễn cưỡng, dè dặt đến từ những người lãnh đạo của địa phương vô tình tạo nên sự lộn xộn trong việc quản lý đời sống con người, cụ thể chính là những người dân đang sống tại đất nước Việt Nam. Thử hỏi sau này, liệu có còn ai làm theo mệnh lệnh của Nhà nước và tin vào sự lãnh đạo của cấp trên?

Có thể, chúng ta đang sống trong một xã hội tự do, hiện đại. Nhưng điều đó không có nghĩa, những mệnh lệnh từ Trung ương lại bị xem như một “lời gợi ý”, có người thực hiện có người không. Thế thì còn đâu là một xã hội trật tự và nề nếp?

Chúng ta cần thống nhất giải pháp thay vì làm theo những suy nghĩ riêng vì như vậy là cảm tính, là thiếu sáng suốt và là mở đường cho “giặc” vào nước ta. Là người lãnh đạo của một địa phương, nắm trong tay cuộc sống và sinh mạng của hàng chục, hàng trăm hộ dân mà không thể tìm ra cách giải quyết ổn thỏa mà chỉ có thể mù quáng tin vào suy nghĩ của riêng mình thì không đáng là một người lãnh đạo. Như ông Nhưỡng cũng đã nhấn mạnh: “Vào trận mà không chỉ huy được thì đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua”.

Trương Tử Vy

Bài mới
Đọc nhiều