+
Aa
-
like
comment

Bàn về cái gọi là “quyền yêu cầu chính trị đa nguyên”

Bảo An - 27/11/2021 11:19

Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị vẫn liên tục đưa ra những thông tin sai trái về tình hình đất nước để tấn công chế độ, đòi Việt Nam chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Gần đây, Việt Nam Thời báo lại đăng đàn bàn về “Tự do chính trị và quyền yêu cầu chính trị đa nguyên”. Theo đó, các đối tượng tiếp tục ra sức tấn công chế độ chính trị tại Việt Nam, đòi Đảng cộng sản phải “rút lui”, chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng.

Nằm trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, những năm qua các thế lực thù địch, phản động, chống đối liên tục tiến hành các hoạt động “chiến tranh tâm lý” để tấn công chế độ chính trị tại Việt Nam. Hoạt động chống phá diễn ra vừa công khai, vừa bí mật, là một nguy cơ lớn đe doạ an ninh quốc gia của Việt Nam. Một mặt, các đối tượng xuyên tạc, bẻ cong lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, bình luận thiếu khách quan về sự phát triển của đất nước để kích động sự hoài nghi, hoang mang, dao động trong dư luận. Mặt khác, các đối tượng đưa ra những thông tin phiến diện, một chiều, cổ suý đa nguyên, đa đảng, lấy đây là thước đó của dân chủ để mị hoặc người dân.

Cần phải hiểu rõ, việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản tại Việt Nam là kết quả sàng lọc của lịch sử đất nước với những biến động hết sức dữ dội trong thế kỷ XX. Thực tế, đã từng có giai đoạn tại Việt Nam cùng tồn tại nhiều đảng phái khác nhau. Tuy nhiên, lịch sử dân tộc đã lựa chọn Đảng cộng sản. Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Việc tấn công vai trò lãnh đạo của Đảng, tấn công chế độ chính trị là hành động xâm phạm đến an ninh quốc gia của Việt Nam, không thể chấp nhận.

Việc một đảng lãnh đạo hay đa nguyên, đa đảng không phải là thước đo, chuẩn mực của tính dân chủ trong xã hội. Dân chủ đơn giản được hiểu là vai trò làm chủ của người dân đối với Nhà nước và xã hội. Tính dân chủ của một xã hội phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền. Một đất nước dù theo chế độ đa nguyên, đa đảng nhưng đảng cầm quyền chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm người trong xã hội thì dân chủ cũng không được bảo đảm. Ngược lại, một xã hội dù chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền nhưng đảng đó mang bản chất cách mạng, là lực lượng tiên phong, bảo vệ quyền và lợi ích cho đa số nhân dân lao động trong xã hội thì nền dân chủ sẽ được bảo đảm.

Nên nhớ, tại “xứ sở Cờ Hoa”, nơi được các “nhà dân chủ” coi là thiên đường, hình mẫu về tự do, dân chủ, nhân quyền cho toàn thế giới thì vấn đề phi dân chủ, đặc biệt kỳ thị, phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại hết sức dai dẳng trong xã hội. Trong nhiều năm qua, những cuộc tấn công vào người da màu, người Mỹ gốc Á diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, nhiều phong trào biểu tình đã nổ ra như #Stop Asian Hate (chấm dứt việc ghét bỏ người châu Á), #We are too America (chúng tôi cũng là người Mỹ), #Black lives matter (mạng sống của người da đen cũng đáng giá)…

Tại Việt Nam, dù chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng tính dân chủ luôn được bảo đảm. Tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả người dân, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo đều được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dân tộc thiểu số, những người yếu thế trong xã hội, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đặc thù để thúc đẩy sự phát triển một cách công bằng. Vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân luôn được tôn trọng, thể hiện qua các cuộc bầu cử, việc trưng cầu dân ý đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Cùng với đó, dưới sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, tính giám sát, phản biện xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc, thúc đẩy tính dân chủ trên cả nước.

Về mặt bản chất, quyền lực Nhà nước luôn mang trong mình sự tha hoá. Dù đa nguyên đa đảng hay đơn đảng nhưng nếu không thường xuyên đấu tranh với những sự tha hoá thì cũng sẽ dễ dàng lâm vào tình trạng mất dân chủ. Tại Việt Nam, Đảng cộng sản đã nhìn nhận rõ điều này. Vì vậy, Đảng luôn phát huy việc phê bình và tự phê bình, kiên quyết đấu tranh với những hoạt động mất dân chủ, xử lý nghiêm khắc những cán bộ sai phạm. Đây là nền tảng, cơ sở quan trọng để phát huy, củng cố nền dân chủ.

Thực tế, luận điệu đòi đa nguyên, đa đảng không nhằm mục đích thúc đẩy dân chủ mà chỉ là chiêu trò tranh giành quyền lực, hướng lái thay đổi chế độ chính trị cần phải lên án.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều