+
Aa
-
like
comment

Bàn tay vàng trong làng cướp đất là ai?

05/02/2021 12:37

Trong lịch sử thế giới đã từng tồn tại nhiều đế chế hùng mạnh, có lãnh thổ rộng lớn bao phủ nhiều quốc gia hiện đại. Chúng ta thường nhắc đến đế chế La Mã với lãnh thổ rộng lớn, thế nhưng bạn có biết từng tồn tại nhiều đế chế còn rộng lớn hơn cả La Mã?

1. Đế quốc Tây Ban Nha

Đứng thứ 5 trong danh sách 5 đế chế có lãnh thổ rộng lớn nhất mọi thời đại là Đế quốc Tây Ban Nha, một trong những đế chế toàn cầu đầu tiên. Tây Ban Nha là nước tiên phong cho phong trào thám hiểm thế giới. Nhà thám hiểm Christopher Columbus người Tây Ban Nha đã tìm ra Châu Mỹ – được người phương Tây gọi là tân thế giới. Đây là một lục địa rộng lớn, có khí hậu tốt, đất đai màu mỡ.

Khi đặt chân đến Châu Mỹ, đế quốc Tây Ban Nha đã nhanh chóng nổ súng xâm lược các bộc lạc và tiểu quốc địa phương. Vào giai đoạn 1516-1700, đây là thời đại hoàng kim của đế quốc Tây Ban Nha khi họ chiếm được tới 50% diện tích Châu Mỹ, khiến nước này nhanh chóng vụt lên trở thành siêu cường trong một thời gian ngắn, cai trị lãnh thổ rộng lớn đến 13,7 triệu km2. Chính sự phát triển rực rỡ của đế quốc Tây Ban Nha đã khiến cho các thế lực “hàng xóm” là Anh và Pháp cũng lên đường tìm kiếm những thuộc địa mới.

2. Đại Thanh

Đứng thứ 4 trong danh sách 5 đế chế có lãnh thổ rộng lớn nhất mọi thời đại là Đế quốc Đại Thanh với diện tích lãnh thổ 14,7 triệu km2. Nếu tính từ thời Hoàng Thái Cực thành lập nhà Đại Thanh (1636) đến cuối thế kỷ 18, lãnh thổ Đại Thanh đã tăng khoảng 13 triệu km2 (cực đại là 14,7 triệu km2 năm 1790) trong vỏn vẹn có 150 năm! Tốc độ thôn tính 87.000km2/năm!

Diện tích nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hiện nay tầm 9,6 triệu km2, chỉ bằng 65% thời cực thịnh của Đại Thanh. Như vậy, mỗi người Hoa Hạ (1,23 tỷ người tại Trung Quốc) “cai trị” diện tích khoảng 0.78 héc-ta.

Diện tích lãnh thổ lớn nhất mà người Hoa Hạ từng tạo ra trong lịch sử hàng ngàn năm của họ là thời nhà Hán và nhà Minh (kế thừa), khoảng 6,5 triệu km2 (xếp thứ 12 trong danh sách các đế quốc có diện tích lớn nhất mọi thời đại). Phần hơn 3 triệu km2 mà Trung Quốc có hiện nay là nhờ công ơn của người Mãn.

3. Đế quốc Nga

“Thám hoa” là Đế chế Nga La Tư. Tính từ thời Ivan lập nước Nga Sa hoàng năm 1547 với diện tích tầm 2,8 triệu km2, đến thời cực thịnh của đế quốc Nga cuối thế kỷ 19, trong 350 năm diện tích đế chế này tăng 20 triệu km2 lên thành 22,8 triệu km2. Tốc độ thôn tính khoản 57.000km2/năm. Năm 1914, đế quốc Nga tham gia vào chiến tranh thế giới thứ nhất – một cuộc chiến tiêu hao tài sản và hy sinh rất nhiều người. Vào năm 1917, những người theo chủ nghĩa Bolshevik đã lật đổ sa hoàng, kết thúc thời kỳ đế quốc Nga, thành lập chính thể Liên Xô theo chủ nghĩa cộng sản. Sau này, Liên Xô cũng sở hữu một vùng đất rộng lớn, nhưng vẫn chưa bằng lãnh thổ rộng lớn nhất mà đế quốc Nga từng đạt được.

Thừa kế đế quốc Nga, Liên Xô giữ được phần lãnh thổ gần như bằng với thời cực thịnh của đế quốc này với diện tích tầm 22,4 triệu km2. Sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết, nước Nga nay thừa kế phần lãnh thổ đủ để là quốc gia rộng lớn nhất thế giới: hơn 17 triệu km2.

Dân số Liên bang Nga hiện khoảng 146 triệu, trong đó 80% là người Nga, tương đương khoảng 128 triệu người. Tính ra mỗi người Nga “quản lý” tầm 0,13km2 (13 héc ta) hiện tại.

4. Đế quốc Mông Cổ

Á quân bành trướng trong lịch sử loài người là Đế quốc Mông Cổ khét tiếng. Kể từ sau khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất Mông Cổ (lãnh thổ 4 triệu km2), Đế quốc này cần 300 năm để bành trướng cực đại vùng lãnh thổ lên 24 triệu km2, tức tăng 20 triệu km2. Tốc độ thôn tính khoảng 67.000km2/năm.

Vó ngựa Mông Cổ chinh phạt từ đông sang tây, nhưng Thành Cát Tư Hãn đã không thể thực hiện giấc mộng thôn tính Trung Hoa. Phải đến thời đại của Hốt Tất Liệt (Xubilai Khan) – cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, đồng thời là vị đại hãn thứ 5 của đế quốc Mông Cổ, giấc mơ này mới được thực hiện. Chính Hốt Tất Liệt đã thành công trong việc xâm chiếm Đại Tống, thành lập ra nhà Nguyên ở Trung Hoa.

Đế quốc Mông Cổ cũng từng ba lần xâm lược Đại Việt nhưng dưới sự lãnh đạo của nhà Trần, Đại Việt đều giành chiến thắng chống Đế quốc Mông Cổ xâm lược.

Cũng bởi lãnh thổ quá đỗi rộng lớn trong khi xuất phát điểm không phải những nhà cai trị, đế quốc Mông Cổ đã bắt đầu tan rã vào năm 1335, sau khoảng hơn 100 năm bành trướng thế lực.

5. Vương quốc Anh

Đứng đầu loài người trong việc chinh phạt thế giới chính là tộc Anglo-Saxon thuộc Vương Quốc Anh mà đỉnh cao là thời đại “Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”, chiếm hữu đến ¼ bề mặt đất liền (35,5 triệu km2) trên trái đất và cai trị khoảng 23% dân số của thế giới! Để vươn lên tầm vóc bao trùm thế giới từ xuất phát điểm là một hòn đảo ngoài khơi tây bắc của lục địa già rộng vỏn vẹn 130.000km2, đế chế Anh cần 350 năm. Tốc độ thôn tính thế giới khoảng 100.000km2/năm hay hiểu nôm na là cứ tầm hơn 1 năm là nước Anh lại có thêm mảnh đất rộng bằng quốc gia ban đầu của mình!

Nếu chỉ tính diện tích các quốc gia chính yếu mà tộc Anglo-Saxon đang nắm quyền là Vương quốc Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand thì cũng gần 29 triệu km2, gấp 1,7 lần diện tích Liên bang Nga, quốc gia rộng nhất thế giới. Trong đó, người gốc Anglo-Saxon chiếm khoảng 160 triệu người; 20 triệu dân ở Canada; 31 triệu người Vương quốc Liên hiệp Anh; 56 triệu người ở Bắc Ireland là 66 triệu, trong đó gốc Anglo-Saxon là 85% (56 triệu). Tổng dân số Úc & New Zealand khoảng, “bốc thuốc” cho dân Anglo-Saxon tầm 21 triệu. Như vậy tổng số dân Anglo-Saxon trong các nước trên khoảng 257 triệu, à làm tròn thành 260 triệu người. 260 triệu người đó cai trị vùng lãnh thổ rộng 29 triệu km2, tính ra mỗi người “quản lý” tầm 0.11km2 (11 héc ta) trong thế kỷ 21!

Tóm lại, nghiên cứu về lịch sử thôn tính, bành trướng, thực dân của loài người, ta có thể thấy rằng:

Về chủng tộc: Các tộc người ở Bắc bán cầu thường có xu hướng bành trướng và tham vọng bá quyền mạnh mẽ. Điều này có lẽ đến từ điều kiện tự nhiên nơi họ sinh sống thường khắc nghiệt, cần có nhu cầu mở rộng nguồn thức ăn. Hơn nữa, sức vóc của người phía Bắc thường cao lớn hơn (có lẽ để chống chọi cái lạnh), thuận tiện cho việc cưỡng đoạt người khác.

Về nguyên nhân: Thời xưa chủ yếu về xung đột lợi ích kinh tế và đức – tin tôn giáo, sau này thì vì nhu cầu tài nguyên và thị trường.

Các dân tộc định canh định cư mà đỉnh cao là nền văn minh lúa nước thì thường “yên phận” và tập trung phát triển văn hóa hơn là bành trướng lãnh thổ bằng bạo lực. Với họ, văn hóa chính là quyền lực mềm mà thực sự thì chính văn hóa Hoa Hạ mạnh mẽ đã từng bước đồng hóa những kẻ thống trị dị tộc khác (Nguyên Mông – Mãn Thanh) và “nuốt chửng” phần lãnh thổ của các đế chế này sau đó.

Lưu ý rằng ngay từ thời Chiến Quốc, người Hoa Hạ đã xây dựng các tường thành để ngăn họ với các tộc hiếu chiến “Tây Nhung – Bắc Địch” mà đến đời Tần hoàn thiện gọi là Vạn Lý Trường Thành. Còn ở phía Nam, giữa Việt Nam và Trung Quốc có biên giới tự nhiên là các dãy núi chọc trời nhưng ngay từ nhà Hán, họ cũng đã xây Ải Nam Quan để vạch định ranh giới giữa Trung Nguyên và “Nam man”.

Tất nhiên, giữa Trung Quốc và Việt Nam, như mọi cặp quốc gia láng giềng nào khác, đều tồn tại những mâu thuẫn không dễ hóa giải, nhưng đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Có điều, chúng ta phải nhìn rõ được bản chất mâu thuẫn, bản chất đối phương, phải đánh giá một cách khách quan, chân thành thì mới mong hóa giải hoặc chí ít là không mắc vào bẫy ly gián, đả kích của bất kỳ kẻ nào giăng ra.

TTH

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều