“Bàn tay ma” kích động người dân đổ xô rút tiền ở SCB?
Đến hôm nay, nguyên nhân khiến người dân ồ ạt kéo đến trụ sở ngân hàng SCB để rút tiền đã được các cơ quan chức năng từng bước làm rõ. Theo khai nhận ban đầu của một số đối tượng thừa nhận hành vi đưa tin thất thiệt nhằm mục đích câu view, tăng lượt tương tác để bàn hàng online. Tuy nhiên, nhóm đối tượng mới đây lại có cả những người đang là giảng viên, phóng viên,… vậy thì liệu chăng việc đăng tải có dừng lại ở mục đích câu view vu vơ?
Nhiều ngày qua, những tin đồn thất thiệt về Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tiếp tục khiến cho thị trường kinh tế, tài chính chao đảo. Ồ ạt người tin theo những thông tin dạng “truyền tai”, chưa được kiểm chứng rồi kéo đến trụ sở ngân hàng để rút tiền, gây áp lực lên hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng. Trước hiện tượng này, SCB nhanh chóng khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật.
Cơ quan công an đã làm việc với một số đối tượng để làm rõ việc sử dụng mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an, khiến nhiều người đồng loạt rút tiền gửi tại ngân hàng.
Theo đó, ngày 09/10, Công an tỉnh Hà Nam đã làm việc với Nguyễn Kiên Quyết (SN 1982) vì đã đăng tin thất thiệt trên Facebook, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng. Tiếp đến, ngày 12/10, Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, đơn vị vừa tiến hành lập hồ sơ xử lý trường hợp tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải nội dung sai sự thật nói rằng Ngân hàng SCB vỡ nợ. Tại cơ quan công an, đối tượng này thừa nhận hành vi thiếu kiểm chứng, đồng thời, cho biết mục đích của việc này là nhằm tăng lượt tương tác để bán hàng online.
Mới đây nhất, ngày 14/10, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP.HCM đã mời 4 cá nhân gồm: ông M. (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, hiện là phóng viên), ông T.M.K. (47 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, giảng viên một trường đại học), ông T.C.H. (37 tuổi, ngụ quận 8, làm công việc tự do) và ông N.H.P. (32 tuổi, ngụ quận 10, hiện làm nhân viên lập trình), vì đăng tin sai về SCB và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, gây tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Số đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật, kích động người dân đồng loạt rút tiền gửi tại ngân hàng SCB còn những ai, câu trả lời sẽ sớm được cơ quan chức năng tường tận. Bởi như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây chỉ rõ: “Vụ việc liên quan đến Vạn Thịnh Phát và SCB có một số người kích động”.
Tất nhiên đối tượng tung tin, phát tán tin sai sự thật sẽ bị cơ quan chức năng xử lý. Song hậu quả của tin thất thiệt rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, ngân hàng, mà còn tác động đến thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống ngân hàng, an ninh trật tự xã hội. Vậy nên, mọi đối tượng tung tin giả, tin xấu độc đều phải bị xử lý nghiêm minh, truy tố hình sự khi hậu quả gây ra nghiêm trọng, xâm hại an ninh trật tự xã hội.
Sự việc xảy ra tại ngân hàng SCB những ngày qua thêm một lần nữa cho thấy tin đồn gây ảnh hưởng lớn đến thị trường như thế nào. Một thái độ bình tĩnh nhằm kiểm soát rủi ro là khuyến cáo mà nhà đầu tư cần lưu tâm, giữa bối cảnh thị trường tỏ ra nhạy cảm với những thông tin lan truyền mạnh như hiện nay.
Ái Dân