+
Aa
-
like
comment

Bản lĩnh vững vàng của người lãnh đạo khi đối mặt với đại dịch Covid-19

27/10/2021 06:28

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã góp phần tạo niềm tin vững chắc với nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Thời điểm này, cả nước đã trải qua những tháng ngày đáng nhớ khi lần thứ 4 phải đương đầu với những thử thách cam go lịch sử, chiến đấu chống lại dịch Covid 19- kẻ thù hiểm ác mà vô hình có ở khắp mọi nơi, gây bao hệ luỵ nặng nề, cướp đi cả cuộc sống bình thường nhất. Nếu tính từ thời điểm dịch xuất hiện lần đầu tiên tại nước ta đến nay đã gần 2 năm, kẻ thù mang tên virus Corona, Sars-CoV-2, rồi biến chủng Delta nguy hiểm, với tốc độ lây nhiễm nhanh chẳng khác nào cơn hồng thuỷ đã để lại những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Dịch bệnh lần thứ 4 quay trở lại Việt Nam đã để lại những hậu quả nặng nề.

Vậy nhưng, chính trong những lúc “bão táp, mưa sa”, chính trong những tình huống cấp bách, lại càng trui rèn thêm bản lĩnh vững vàng của Đảng trước gian nguy. Trước một đại dịch rộng khắp, nguy hiểm, chưa từng có tiền lệ như dịch Covid-19, Đảng đã nhìn rõ nguy cơ, hệ luỵ có thể xảy ra và ngay từ đầu đã có những chủ trương, quyết sách thống nhất xuyên suốt, kiên quyết, linh hoạt để chỉ đạo toàn hệ thống chính trị sẵn sàng đương đầu và triển khai sáng tạo, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Ngược thời gian cách đây gần 2 năm. Tết Nguyên đán Canh Tý-năm 2020.

Thời điểm nhân dân cả nước đang vui Tết, đón Xuân,nước ta phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên nhiễm virus Corona là người Trung Quốc.

Hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc) nhiễm Covid-19 (nCoV) đã được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị thành công.
Hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc) nhiễm Covid-19 (nCoV) đã được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị thành công.

Chỉ vài ngày sau đó, ngày mùng 3 Tết Nguyên đán (tức ngày 27/1/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp Thường trực Chính phủ, chỉ đích danh virus Corona là “giặc” và yêu cầu phải “chống dịch như chống giặc”. Từ tinh thần chống dịch như chống giặc, mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình, thôn bản, tổ dân phố là một “pháo đài chống dịch” đã hình thành nên thế trận vững chắc từ trung ương đến cơ sở, khẩn trương vào cuộc chống dịch.

Và chỉ 2 ngày sau cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ, ngày 29/1/2020, Ban Bí thư đã có Công văn số 79, yêu cầu: Xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch… Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã liên tục chủ trì những cuộc họp khẩn cấp, lăn xả thị sát tại những nơi tâm dịch để chỉ đạo sát sao, quyết liệt; đồng thời động viên, khích lệ các lực lượng tuyến đầu và kêu gọi người dân chung sức, đồng lòng chống dịch Covid 19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc phòng, chống dịch COVID-19 sáng 9/10/2021. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trải qua 4 đợt chống dịch cam go, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai quyết liệt các biện pháp “chống giặc Covid-19”. Đặc biệt, trong gần 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần gửi Lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài,kêu gọi “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tại lần kêu gọi thứ hai, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng tìm mọi cách quyết ngăn chặn, không để dịch bùng phát, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.. ”

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư như một lời “hiệu triệu” toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng vào cuộc, tạo nên sự thống nhất trong ý chí và hành động của toàn hệ thống chính trị dồn toàn lực đối phó với đại dịch Covid-19, như phân tích của đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội: “Trong cuộc chống dịch Covid, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần hiệu triệu chống dịch. Sau đó Tổng Bí thư nhấn mạnh “trước tiên ta đã thống nhất thì bây giờ thống nhất hơn, đã đoàn kết đại đoàn kết hơn. Điều đó thể hiện ý chí kiên định rất là vì nhân dân. Nhờ lực kêu gọi đó là nhân dân cả nước đồng tâm hợp lực hưởng ứng lời kêu gọi đó”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII..

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã ra Nghị quyết xác định, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện ngay sau Đại hội, đó là: “Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng…”. Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đây là quyết định đúng đắn, trách nhiệm cao, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh của Đảng trong việc đối phó với “giặc Covid-19” trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn lực hạn chế.

“Đảng ta phải có trách nhiệm để đẩy lùi dịch bệnh Covid. Tôi cho đây là một quyết định rất đúng đắn và như vậy là trong quyết định này đặt Việt Nam, nhân dân Việt Nam, tính mệnh, cuộc sống của nhân dân Việt Nam lên trên hết. Tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta ai cũng thấy những bài học, những quyết định đưa ra trong Nghị quyết Đại hội đều là chắt lọc tinh hoa về ý chí, tinh thần của toàn đảng toàn dân”- bà Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Sẵn sàng đối mặt với dịch Covid – 19, sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã góp phần tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân. Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN cho rằng: “Sự lãnh đạo của Đảng thông qua hệ thống chính trị. Đảng chủ trương, nhưng các cấp làm khá quyết liệt. Từ đồng chí Thủ tướng, các đồng chí trong hệ thống trị, Quốc hội, cấp ủy đều có chỉ đạo rất chặt chẽ. Chính quyền là người thực thi ở đâu cũng thấy quyết tâm. Tôi đánh giá rất cao về vai trò lãnh đạo. Dân nhìn vào Đảng ta, phát huy truyền thống dân tộc, phát huy tình cảm của một Đảng đại diện cho giai cấp công nhân nhân dân lao động và cho toàn dân tộc”.

Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Thường trực Bộ Chính trị.
Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Thường trực Bộ Chính trị.

Lửa thử vàng gian nan thử sức! Chính trong những giai đoạn cam go của lịch sử, chính trong những tình huống khẩn cấp mới thấy rõ hơn những tấm lòng vì dân, vì nước của những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, sẵn sàng lăn xả vào cuộc, tận tâm, tận lực vì công việc chung như những cảm nhận của TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Cán bộ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi nước ngoài cũng phải tranh thủ đặt vấn đề có vaccine hay không? Tổng Bí thư thì kêu gọi đã “kiên quyết thì kiên quyết hơn, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn”; đồng chí Thủ tướng áo đẫm mồ hôi đi vào vùng dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chống dịch từ đầu đến giờ, không được nghỉ Tết. Tất cả trên dưới một lòng thì mới làm được”.

Với thực tế 4 đợt chống dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt chống dịch lần thứ 4 đã cho thấy: việc ứng phó với dịch bệnh chính là thử thách, là thước đo để đánh giá cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu. Trong “bão dịch”, những người “đứng mũi chịu sào” vẫn “đứng thẳng hàng”, dũng cảm đối mặt và tiến bước. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rất rõ rằng: “Có cứng mới đứng được đầu gió”.

Ngọc Anh 

Bài mới
Đọc nhiều