+
Aa
-
like
comment

Bản lĩnh Việt Nam tại Biển Đông, tư thế hùng cường

Diệp Vấn - 12/10/2020 17:53

Nhân đạo, nhân văn là nội dung cơ bản, đặc trưng cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam, trở thành truyền thống lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Với bản lĩnh nhân văn, Việt Nam luôn là nước yêu hòa bình, luôn lấy hòa hiếu làm biện pháp ứng xử với các nước nói chung và đặc biệt là với nước láng giềng nói riêng. Nhân đạo, nhân văn đã trở thành truyền thống quý báu, thành bản lĩnh, cốt cách, tâm hồn, lẽ sống, đạo lý của con người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay. Hiện nay, bản lĩnh đó lại được thử thách và được thể hiện trong quan hệ ứng xử với Trung Quốc qua các hành động của họ ở Biển Đông.

Trong lịch sử, các cuộc kháng chiến của dân tộc ta đều là sự bất đắc dĩ, không còn con đường nào khác khi kẻ địch cố tình xâm lược. Với bản chất nhân văn của mình, Việt Nam luôn nhân nhượng và sẽ nhân nhượng đến khi không còn con đường nào khác thì mới phải dùng chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Đối với một dân tộc như vậy thì khi phải bước vào thực hiện kháng chiến sẽ rất anh dũng, kiên cường chiến đấu đến cùng bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Đối với quân địch trong chiến tranh cũng như kết thúc chiến tranh, thì tù binh hay hàng binh đều được hưởng khoan hồng độ lượng của chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn Việt Nam. Đây là một trong những nét đặc sắc nhất thể hiện bản lĩnh nhân văn của văn hóa Việt Nam, góp phần tạo nên chiến thắng của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì thế Nguyễn Trãi đã khái quát: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo. Khi quân địch là tù, hàng binh thì được tha bổng về nước bằng đi thủy cho thuyền, đi bộ cho ngựa, thiếu ăn cho lương thực…

Trong thế giới hiện đại, văn minh, ứng xử giữa các quốc gia, dân tộc cũng phải thể hiện tính nhân văn. Tính nhân văn không còn đơn thuần là vấn đề văn hóa, mà còn là vấn đề thực thi luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình ở Biển Đông hiện nay là vi phạm luật pháp quốc tế về biển, trái với đạo lý thông thường của quan hệ giữa hai dân tộc vốn được Việt Nam trân trọng. Hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại với lương tri nhân loại. Tại các cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nêu rõ Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. “Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, và không có hành động làm phức tạp tình hình cũng như đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”.

Như vậy, cho thấy Việt Nam luôn có thiện chí và tỏ rõ sự hòa hiếu trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc… nhưng phía Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động trái phép ở Biển Đông, bất chấp dư luận quốc tế. Đây là điều mà cả những người dân lao động Trung Quốc cũng khó chấp nhận được.

Đối với những người lao động Trung Quốc cũng muốn hòa bình, bởi họ cũng bị đau khổ, tang tóc do các cuộc chiến tranh trong lịch sử và trong thời hiện đại. Họ cũng muốn yên ổn làm ăn, làm giàu chính đáng bằng chính sức mình, không phải làm giàu bằng hành động ăn cướp của người khác. Quê hương của Khổng Tử, những người lao động Trung Quốc thấm đượm tinh thần về nhân – lễ – chính danh và tư tưởng về mình muốn cái gì thì cũng giúp người muốn cái đó; mình không muốn điều gì thì cũng không bắt người khác phải chịu những điều mà mình không muốn đó. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc không nên định hướng, kích động nhân dân lao động, cán bộ, chiến sĩ quân đội của mình làm những điều vô nhân, trái với những điều Khổng Tử dạy mà được tôn thờ từ cổ đại đến nay. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không nên thờ ơ với những thiện chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong yêu cầu ngừng các hoạt động xây dựng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Lương tri nhân loại cũng đang quan tâm, hướng đến thái độ ứng xử giữa Trung Quốc và Việt Nam ở biển Đông. Mỗi động thái của Trung Quốc ở biển Đông thành điểm nóng của dư luận quốc tế. Trung Quốc không nên lún sâu vào con đường tội ác. Trung Quốc cũng phải có chút lương tâm trong xã hội hiện đại, văn minh rằng, không được chà đạp lên dư luận thế giới cũng như luật pháp, công ước quốc tế một cách trắng trợn như ở biển Đông hiện nay. Trung Quốc cũng không thiếu gì phương cách làm giàu, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và vì thế hãy từ bỏ âm mưu cướp đoạt lợi ích kinh tế của Việt Nam ở biển Đông. Lợi ích đó của Việt Nam là chính đáng bởi được luật pháp quốc tế thừa nhận. Lợi ích đó đã phải tốn bao xương máu của các thế hệ Việt Nam chiến đấu, hy sinh mới giành lại được cho nên nó rất thiêng liêng với con người Việt Nam và hợp với đạo lý chân chính hiện nay.

Đối với Việt Nam, ứng xử với Trung Quốc ở biển Đông hiện nay càng phải tỏ rõ bản lĩnh văn hóa của dân tộc ta. Mặc dù sự phải trái, trắng đen; thiện chí hòa bình, nhân nhượng hay không nhân nhượng đã rõ ràng, nhưng cần một sự tỉnh táo không để mắc mưu của kẻ xấu. Một sai sót nhỏ hiện nay cũng có thể làm cho Trung Quốc hay những kẻ xấu làm cớ, xóa nhòa gianh giới giữa nhân văn và phản nhân văn; giữa đạo lý và phi đạo lý; giữa hợp pháp và phi hợp pháp. Sự kiên trì, sự tỉnh táo hiện nay trong quan hệ ứng xử với hành vi thô bạo của Trung Quốc là mỗi người dân Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến trên biển Đông theo thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước ta, không nghe những thông tin thất thiệt. Cùng với nó là nêu cao tinh thần cảnh giác, khắc phục những bột phát, chủ quan làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ, gây mất ổn định an ninh, chính trị, suy giảm kinh tế, gây hoang mang tinh thần xã hội. Mỗi con người Việt Nam luôn củng cố niềm tin, xây dựng tinh thần đoàn kết xung quanh Đảng, Nhà nước và tuân thủ pháp luật. Những suy nghĩ, hành vi tùy tiện, bột phát cần được dư luận uốn nắn, cần được chấn chỉnh kịp thời bằng pháp luật. Sự kiên trì với con đường ngoại giao, phương pháp hòa bình hiện nay không có nghĩa là nhu nhược, thỏa hiệp hay chấp nhận sự đầu hàng. Sự tuân thủ pháp luật không có nghĩa kìm hãm tinh thần yêu nước. Cần đặt lên hàng đầu sự kiên trì, sự tỉnh táo, tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm pháp luật và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước hiện nay.

Trung Quốc cũng như Việt Nam quá hiểu biết về nhau trong lịch sử cũng như hiện nay. Trung Quốc nên dừng ngay các hoạt động xây dựng trái phép ở vùng biển Việt Nam để tỏ rõ sự hiểu biết về bản lĩnh, sức mạnh nhân văn trong văn hóa Việt Nam. Nhân dân Việt Nam vốn có lòng yêu nước nồng nàn trong bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Việt Nam cũng không bao giờ xâm phạm đến độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc khác, đặc biệt là các nước láng giềng, đồng thời cũng không bao giờ để cho bất cứ một thế lực nào xâm hại đến độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc mình. Bản lĩnh nhân văn  của Việt Nam có hậu thuẫn từ sức mạnh văn hóa được hun đúc trong lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước và của thời hiện đại; có sự ủng hộ của dư luận thế giới; của lương tri nhân loại lên tiếng để bắt buộc Trung Quốc dừng ngay các hoạt động gây hấn ở biển Đông.

Khi biện pháp cuối cùng phải thực hiện thì mỗi con người Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam đã từng làm nên những chiến thắng vang dội trong lịch sử như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa. Trong thời hiện đại như Biện Biên Phủ trên không, chiến dịch Hồ Chí Minh. Tương lai phát triển của Việt Nam cũng như Trung Quốc sẽ phải tiến đến sự thịnh vượng, hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau hòa vào xu thế chung của nhân loại.

Diệp Vấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều