+
Aa
-
like
comment

Bản lĩnh của người Lãnh đạo: Có cứng mới đứng được đầu gió

28/10/2021 09:51

Tính đến thời điểm này, trải qua 4 đợt chống dịch, đặc biệt là làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với diễn biến nhanh, phức tạp, nguy hiểm, khó lường của biến chủng Delta, đã trở thành phép thử, thước đo để đánh giá cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu. 

Qua thực tế triển khai công tác đối phó với dịch ở các địa phương thời gian qua cho thấy, bản lĩnh của người đứng đầu cấp ủy đã góp phần tạo nên và nhân rộng những “vùng xanh” an toàn vững chắc, kể cả nơi tâm dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch tại TP.HCM

Qua thực tế triển khai công tác đối phó với dịch ở các địa phương thời gian qua cho thấy, bản lĩnh của người đứng đầu cấp ủy đã góp phần tạo nên và nhân rộng những “vùng xanh” an toàn vững chắc, kể cả nơi tâm dịch. Như những rặng tre bám chặt vào đất quê hương, bám sát thực tiễn, gần dân, vì dân, những cán bộ, đảng viên giữ vị trí chủ chốt ở những nơi có dịch phải cứng mới đứng được đầu gió. Đây cũng là nội dung bài 2 trong loạt bài “Bản lĩnh trong đại dịch”.

Đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại tỉnh Bắc Giang, khởi nguồn từ hai khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu (huyện Việt Yên). Virus biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh đã xâm nhập vào nhiều nhà máy và các khu nhà trọ công nhân. Bắc Giang nhanh chóng trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp và phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên. Hơn 100.000 công nhân, chiếm hơn 1/3 dân số của huyện phải tạm nghỉ việc tại các nhà máy, dồn cục bộ vào những khu nhà trọ thuộc vùng phong tỏa. Nếu như thời điểm đó để số công nhân này về quê ở 53 tỉnh, thành phố theo nguyện vọng của họ thì đây sẽ là hơn 100.000 mầm bệnh gây bùng phát dịch ở nhiều địa phương, thiệt hại không thể lường hết được. Trong giờ phút “cân não”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã họp và đi đến quyết định: Bắc Giang chịu phần thiệt về mình, đảm bảo đời sống cho công nhân để sớm đưa họ trở lại làm việc khi đã làm “sạch” nhà máy.

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang 
Ông Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang 

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhớ lại: “Bắc Giang là tỉnh đầu tiên dịch bùng phát trong khu công nghiệp, trong khi chúng ta chưa có tiền lệ, kinh nghiệm chưa có, dịch bùng phát hết sức phức tạp. Việc lựa chọn dừng các khu công nghiệp để tập trung phòng chống dịch đồng thời cũng là để các doanh nghiệp tổ chức sắp xếp lại sản xuất trong điều kiện có dịch. Công nhân ăn ngủ, sinh hoạt tại doanh nghiệp cũng rất là khó khăn. Tuy nhiên, với quan điểm của Bắc Giang là hỗ trợ cho doanh nghiệp và lấy quyền lợi của doanh nghiệp là trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ quyết định “cân não” đó mà chỉ chưa đầy 2 tháng sau, 100% doanh nghiệp ở Bắc Giang đã hoạt động trở lại. Dịch Covid-19 gần như được gói gọn tại huyện Việt Yên nên mùa thu hoạch vải thiều ở huyện Lục Ngạn với sự hỗ trợ của cả nước đã không bị ảnh hưởng nhiều, người dân vẫn thu về hơn 7.000 tỷ đồng từ gần 200.000 tấn quả vải”.

Cùng thời điểm đó, địa phương cận kề Bắc Giang là tỉnh Bắc Ninh cũng bị dịch Covid-19 xâm nhập vào một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Bởi hàng ngày có hơn 3.000 người ở Bắc Ninh làm việc tại Bắc Giang và hơn 30.000 công nhân Bắc Giang sang Bắc Ninh lao động. Việc xử lý triệt để ổ dịch rất khó khăn. Nếu “đóng băng” dù chỉ 1 ngày để chống dịch thì giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh bị giảm 3.600 tỉ đồng. Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: khi đó, với quyết tâm không để đứt gẫy chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm của những tập đoàn lớn, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp sáng tạo, chưa từng có tiền lệ, dựa trên nguyên lý cắt đứt chuỗi lây nhiễm từ cộng đồng vào nhà máy và ngược lại, giúp địa phương dập tắt được ổ dịch trong khu công nghiệp:

Bà Đào Hồng Lan- Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh
Bà Đào Hồng Lan- Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh

“Nếu chọn phương án thuận lợi cho chính quyền đó là đóng băng kinh tế lại, tập trung cho chống dịch thì có thể nói sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Và chúng tôi nghĩ  làm như vậy, dịch có thể được dập sớm hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta đóng băng kinh tế như vậy, thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân vô cùng lớn. Và cũng chưa ai dám khẳng định sau 14 ngày đóng băng liệu dịch có hết được không. Điều đó là bài toán hết sức cân não. Cũng chưa ai khẳng định được là sau khi dịch hết, chúng ta mở cửa lại nền kinh tế thì các doanh nghiệp liệu còn đủ sức chịu đựng không nếu phải đóng cửa thời gian dài như vậy?”- bà Đào Hồng Lan nhớ lại.

Bản lĩnh mạnh mẽ, quyết đoán linh hoạt của người đứng đầu cấp ủy dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng sự chung tay góp sức của cả nước đã giúp Bắc Ninh, Bắc Giang kiểm soát được dịch Covid-19, từng bước trở thành những vùng xanh an toàn, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.

Vậy nhưng, khi chưa kịp an tâm thì cuối tháng 5, ổ dịch mới lại xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng khiến thành phố phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7.

Đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng mới có phương tiện qua lại, chủ yếu là xe cứu thương vốn không phải là hình ảnh quen thuộc của một thành phố thức. Cuộc sống sôi động, nhộn nhịp bị ngắt quãng suốt hơn 4 tháng vì Covid-19. Một cuộc chiến không tiếng súng nhưng khá nhiều thương vong và hệ lụy.

Vậy nhưng, ở thời điểm cam go nhất, thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì được những vùng xanh an toàn ở Quận 7 và huyện Củ Chi:

“Phòng chống dịch ở Củ Chi hiệu quả khiến chúng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương…”- một người dân quận 7 cho biết.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, kinh nghiệm giúp huyện sớm trở thành vùng xanh an toàn đó là sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với việc truy vết và xét nghiệm nhanh nhất có thể, huyện Củ Chi đã có quyết định linh hoạt khi thành lập bệnh viện dã chiến vì dự báo trước được sự quá tải ở các cơ sở điều trị của thành phố.

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền. Ảnh VGP
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền. 

“Lập mạng lưới thầy thuốc đồng hành thì mình sử dụng lực lượng ở đây luôn vì thực ra thành phố đưa ra mấy chục người, trong khi các quận nội thành đang quá tải thì chúng tôi không thể trông chờ được nên mình sử dụng lực lượng tại chỗ. Lực lượng được tập huấn rất kỹ, nên phát hiện nhanh được các trường hợp chuyển biến nặng”- bà Phạm Thị Thanh Hiền cho hay.

Tại địa phương vùng xanh là quận 7, bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 7 cho biết: “Về phía thành phố đã công bố bệnh nhân nặng, cũng như bệnh nhân tầng 4, tầng 5. Chúng ta thấy điểm tắc nghẽn nhất là tầng 3. Về phía bệnh viện Quận 7, việc lập cơ sở 2 ở đây là giảm tải cho tầng 4, tầng 5 cũng như các bệnh nhân có triệu chứng, giảm số bệnh chuyển nặng. Đây là mô hình đột phá của lãnh đạo quận, cái nhìn trước của lãnh đạo quận ủy và cái nhìn trước của lãnh đạo Quận 7”.

Linh hoạt, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xé rào vì dân cũng là cách được nhiều cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp ở Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung áp dụng, mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Từ thực tế ở địa phương, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đúc rút kinh nghiệm: “Đi thực tế thấy rằng vai trò người đứng đầu hết sức quan trọng. Nơi nào người đứng đầu vào cuộc quyết liệt, làm việc khoa học, điều hành quyết đoán thì hiệu quả rất cao. Nơi nào lãnh đạo không quyết tâm, không quyết liệt thì hiệu quả không cao…”

Đây cũng là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Là người ngay từ những đợt dịch đầu tiên đã lăn xả vào thị sát tại những vùng tâm dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong quyết định thành – bại của công tác phòng chống dịch Covid-19:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. “Tôi đi kiểm tra, cứ nơi nào mà Bí thư, Chủ tịch quận huyện sâu sát, chịu khó đi hỏi các lực lượng liên quan thì khi sau một thời gian chỉ đạo chống dịch rất tốt. Nhưng ông nào mà cứ phải quay ra hỏi cán bộ y tế thì nơi đó công tác chỉ đạo lúng túng, tình hình không tốt”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Có cứng mới đứng được đầu gió. Dũng cảm đối mặt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng lòng, đồng sức. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã chung sức tạo nên những thành lũy vững chắc, đẩy lùi “giặc Covid”, từng bước thu hẹp những vùng đỏ, vùng cam, nhân rộng vùng xanh trên bản đồ phòng, chống dịch Covid-19.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nước ta đã, đang quay trở lại cuộc sống “bình thường”. Vậy nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn,vẫn phải đặt mục tiêu an toàn trước dịch Covid 19, đồng thời đảm bảo sinh kế của người dân, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Với bản lĩnh vững vàng, Đảng đang tiếp tục dẫn dắt toàn dân tộc từng bước chuyển hoá “nguy” thành “cơ”, đưa đất nước quay trở lại trạng thái bình thường, hướng tới phát triển phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều