Bản hùng ca ‘chiến sỹ áo trắng’ trong dịch COVID-19
Hình ảnh các “chiến sĩ áo trắng” xả thân trong dịch bệnh khiến họ đẹp hơn bao giờ hết trong lòng nhân dân. Những giọt mồ hôi của họ đã đổ xuống vì sự an toàn của cộng đồng, thầm lặng, chẳng đòi hỏi. Sự cống hiến đó là những nốt nhạc viết nên bản hùng ca tự hào của ngành Y tế.
Nỗ lực làm tấm lá chắn cho cộng đồng
Một năm qua dường như dài bất tận với các y, bác sĩ khi họ phải gồng mình lên chiến đấu với đại dịch COVID-19. Các y bác sĩ đã được tôn vinh như những “người hùng áo trắng” làm tấm lá chắn bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Có lẽ trong 3 đợt dịch COVID-19, đợt dịch thứ 3 hiện nay là kéo dài và cam go nhất, nhất là tại “điểm nóng” Hải Dương.
Ở nơi tâm dịch vẫn là tinh thần quyết tâm, sự lạc quan tin tưởng, cống hiến hết mình của các thầy thuốc, cán bộ y tế, đánh đổi bằng sự hi sinh gạt bỏ cả cuộc sống riêng tư mà chẳng màng chút lợi ích cho mình.
Câu chuyện về “Cặp đôi diệt COVID-19” ở tâm dịch Chí Linh (Hải Dương) khiến nhiều người cảm phục. Trong suốt những ngày tham gia chống dịch, vợ chồng bác sĩ Vũ Quy Bắc (khoa khám bệnh) và kỹ thuật viên Nguyễn Thị Ánh (khoa xét nghiệm) của Trung tâm Y tế Chí Linh đã cùng nhau xông pha ở tuyến đầu. Dịch bệnh ập đến bất ngờ, họ phải gửi con cho người thân chăm sóc để tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Cuộc chiến với COVID-19 tại Chí Linh có lẽ căng thẳng ngoài sức tưởng tượng của họ khi cường độ làm việc quá tải, số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng từng ngày; không khí hối hả, gấp gáp chưa ngơi nghỉ một ngày nào kể từ khi điểm nóng này phát hiện ca mắc tại Công ty POYUN.
Tết Tân Sửu vừa qua thật đặc biệt với họ khi cả hai cùng vắng nhà trong nỗi lo âu. Thế nhưng tốc độ công việc khẩn trương, guồng quay công việc cuốn đi cũng khiến họ không còn thời gian cho những nỗi niềm riêng tư ấy. Sự động viên duy nhất là cả hai vợ chồng cùng ở lại trong bệnh viện dã chiến nhưng cũng chỉ được nhìn nhau từ xa vì đều phải cách ly.
Có lẽ họ sẽ không quên được kỷ niệm về những ngày tháng này, khi đêm 30 Tết, chị Ánh nhận được tin nhắn của chồng: “Làm sao cùng nhau đón giao thừa được nhỉ?”. Chị Ánh nhắn lại: “Em có cách rồi. Chồng ra ngoài đi!”. Từ tầng 2 của khu xét nghiệm, vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, chị Ánh gọi chồng bằng cách mà như chị nói “từ hồi lấy nhau giờ mới gọi lại”: “Người yêu ơi! Quay lại đây, em nhìn một tý!”. Anh Bắc quay lại, chị Ánh và chồng trao đổi ánh mắt trong phút chốc rồi vội vàng trở về với nhiệm vụ quen thuộc. Cuộc chiến còn dài và trước mắt họ vẫn là những ngày chiến đấu trong niềm mong mỏi nhớ thương.
Rồi câu chuyện của bác sĩ trẻ Đỗ Thị Băng Ngân (khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) đã ba lần phải gác lại chuyện cưới xin để xung phong vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Lần đầu tiên là đầu năm 2020, khi BS. Ngân và người yêu (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh) có kế hoạch tổ chức đám cưới. Tuy nhiên dịch bệnh bất ngờ bùng phát, không một chút ngần ngại, nữ bác sĩ trẻ đã gác lại chuyện cưới xin và ngay lập tức tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Ba tháng sau BS. Ngân mới hoàn thành nhiệm vụ, hết cách ly. Lần thứ 2 đám cưới dự kiến vào tháng 8/2020 thì dịch lại bùng phát tại Hải Dương (quê chồng sắp cưới) nên kế hoạch không thành. Lần thứ 3 cũng vào đúng đợt dịch mới, Bệnh viện Phổi nơi BS. Ngân công tác trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Cả hai lại tiếp tục hoãn đám cưới, cùng nhau tham gia công tác chống dịch.
Những câu chuyện kể trên là một phần nhỏ trong sự hy sinh lớn lao của các y bác sĩ những ngày qua. Các cán bộ y tế đã cống hiến hết mình vì trách nhiệm và vì sứ mệnh thiêng liêng của những người mang trên mình chiếc áo blouse trắng.
Hẳn không ai quên được những hình ảnh xúc động trong đợt dịch ở Đà Nẵng khi trực tiếp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vào “cắm chốt” điều hành công tác chống dịch. Bức ảnh ông nắm chặt tay giơ lên thể hiện sự quyết tâm động viên với các cán bộ y tế bên trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng, cánh tay quyết tâm ấy chính là niềm tin vững chắc vào nỗ lực chiến thắng dịch bệnh. Tinh thần trách nhiệm còn ở những ngày dịch nóng, ông đã chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng chiến đấu cho đến khi hết dịch.
Tâm sự về thời điểm ấy, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của người thầy thuốc”.
Phát huy tinh thần ấy, khi đợt dịch thứ 3 tại tại Hải Dương, Quảng Ninh bùng lên, đoàn quân áo trắng tiếp ứng cho “tiền tuyến” lại tiếp tục hăng hái lên đường, sẵn sàng hy sinh cái Tết đoàn viên để ở lại cùng nhân dân chống dịch.
Không khỏi xúc động khi chứng kiến những ca trực kiệt sức, những giấc ngủ gục tạm của những “chiến binh” không rõ mặt trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Cũng không khỏi rưng rưng khi được nghe những bệnh nhân COVID-19 nặng kể lại họ đã được giành giật lại mạng sống từ bàn tay tử thần như thế nào.
Thế nhưng, trong những giờ phút bệnh nhân xuất viện, những “người hùng” ấy chỉ lặng lẽ đứng sau mỉm cười, rồi lại nhanh chóng quay về với công việc, bởi trước mắt họ còn là cả trận chiến dài, cam go. Những nỗ lực lặng thầm ấy của các thầy thuốc đã được chính người bệnh, nhân dân ghi nhận, hơn cả những lời tung hô nào khác.
Ngay những ngày sau khi qua cơn nguy kịch, dù giọng nói còn yếu ớt nhưng những câu đầu tiên mà bệnh nhân số 19 (bệnh nhân nặng nhất miền Bắc) chia sẻ với chúng tôi là sự biết ơn các y bác sĩ: “Tôi còn giữ lại được mạng sống là nhờ công rất lớn của các bác sĩ, điều dưỡng đã hết lòng điều trị, chăm sóc trong thời gian suốt gần 3 tháng. Không có người thân ở bên, các y bác sĩ đã phục vụ tôi tại chỗ, những điều đó tôi không bao giờ quên”.
“Tiếng thơm” từ y đức
Có lẽ chưa bao giờ các y, bác sĩ lại “ghi điểm” nhiều đến vậy. Khi họ đang oằn mình trong tâm dịch thì ở ngoài, tinh thần cộng đồng luôn hướng về họ bằng những tình cảm đặc biệt nhất.
Từ những bữa “cơm ngon, canh ngọt” được người dân chuẩn bị chu đáo gửi vào các khu cách ly, điều trị hàng ngày đến những lời kêu gọi ủng hộ để mua sắm bộ đồ bảo hộ, khẩu trang cho các y, bác sĩ trong lúc khan hiếm… là sự đồng lòng, cảm thông, chia sẻ hiếm khi nào có được để các cán bộ y tế vững vàng hơn, an tâm hơn để cống hiến.
Ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành Y tế trong trận chiến chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xúc động bày tỏ: “Trong thời gian qua, ngành Y tế được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao và ghi nhận thành công trong chống dịch, các thầy thuốc được nhân dân yêu mến gọi là những “chiến sĩ áo trắng”. Trong cuộc chiến với COVID-19, đã ghi nhận những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu, xả thân trong nhiều điểm nóng dịch, từ Sơn Lôi, Hạ Lôi đến Bình Thuận, Đà Nẵng, rồi lại sẵn sàng đón Tết trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương… Thật đáng tự hào khi ngành Y tế vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch tốt lại vừa làm công tác điều trị tốt, cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng…”
Trong cuộc chiến chống dịch đã có những tấm lòng hy sinh cao cả. Như khi thấy Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là nơi đại dịch nào cũng phải phụ trách đón nhận người bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Chính phủ đã bàn đến việc lo chỗ ở tốt hơn cho cán bộ y tế chống dịch, cần thiết có thể thuê cả khách sạn vì họ không được về nhà. Nhưng chính các y bác sĩ lại từ chối sự ưu ái đó, họ muốn ở lại bệnh viện để có thể dành thời gian chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Tất cả những nỗ lực đó của các thầy thuốc, các cán bộ y tế đã làm nên một bản hùng ca tự hào của ngành Y.
Trong dịch bệnh, các thầy thuốc không kể ngày đêm, không kể khó khăn và gian nan đi đến mọi địa điểm có dịch. Đó là tinh thần, trách nhiệm, là sự phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trung ương và địa phương, đã tạo nên sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Tạ Nguyên/ BTT