Bán hàng online, giao nhận trực tuyến ở TP.HCM được hoạt động trở lại
Bên cạnh cho phép dịch vụ ăn uống bán mang đi, TP.HCM cũng cho phép bán hàng online, dịch vụ giao nhận trực tuyến được hoạt động trở lại thông qua shipper, doanh nghiệp vận tải, bưu chính và logistics…
Ngày 8-9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM có báo cáo sơ kết 15 ngày thực hiện chỉ thị 11 của chủ tịch UBND TP.HCM về tăng cường giãn cách xã hội.
Về kế hoạch trọng tâm từ 6-9 đến 15-9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, tăng cường kiểm tra, tuần tra xử lý nghiêm những vi phạm. Tiếp tục giãn dân ra khỏi các khu vực có địa hình phức tạp, hẻm nhỏ, khu trọ tập trung đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm.
TP cũng cân nhắc điều chỉnh nới lỏng một số dịch vụ phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Chọn quận 7 và Củ Chi làm mũi đột phá đi đầu thí điểm thực hiện các giải pháp chiến lược chuẩn bị cho sau 15-9. Các quận Phú Nhuận, 5, 11 và huyện Cần Giờ, Nhà Bè phấn đấu kiểm soát dịch theo kế hoạch đề ra.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, TP mở chiến dịch tiêm chủng toàn TP, phấn đấu bao phủ mũi 1 cho 100% người dân trên 18 tuổi trước 15-9, đồng thời tiêm mũi 2 cho những người đến lịch tiêm, ưu tiên cho người nguy cơ cao như trên 50 tuổi và có bệnh nền.
TP cho phép mở lại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc, shipper được hoạt động từ 6h đến 21h hằng ngày. Vùng đỏ cho phép shipper đi chợ hộ, người dân vùng xanh được phát phiếu đi mua hàng 1 lần/tuần.
Riêng quận 7 và huyện Củ Chi người dân được đi chợ 2 lần/tuần. Người đi mua hàng phải được tiêm 1 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh.
Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ phục vụ mang đi, hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ, hộ gia đình.
Đáng chú ý, các hoạt động bán hàng online, dịch vụ giao nhận trực tuyến được hoạt động trở lại thông qua shipper, doanh nghiệp vận tải, bưu chính và logistics…
Trong thời gian tới, để đảm bảo an sinh xã hội, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về chi ngân sách phòng, chống dịch để các địa phương có căn cứ thực hiện, đồng thời hỗ trợ TP 28.000 tỉ để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho người lao động nghèo.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc phân định chi phí do ngân sách nhà nước chi trả và bảo hiểm y tế đối với người bệnh COVID-19 có thẻ bảo hiểm y tế rất khó khăn do quy định chưa rõ ràng.
TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế ban hành văn bản quy định danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế do ngân sách chi trả như: đồ phòng hộ, giường bệnh, thuốc hạ sốt, giảm ho, corticoid, kháng đông, oxy, thở máy, tiền dinh dưỡng. Các chi phí khác do bảo hiểm y tế chi trả.
TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng.
Thảo Lê