Bàn giải pháp hạn chế rủi ro từ thị trường thế giới
Ngày 1-8, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2019 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đánh giá chung tại phiên họp cho thấy, kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng ổn định, văn hóa-xã hội có những bước phát triển, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực vẫn có rất nhiều yếu tố bất ổn, đòi hỏi sự điều hành tỉnh táo, linh hoạt của Chính phủ, nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội.
Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá (9,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (10,7%). Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Hơn 79.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Có 24,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng gần 30%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng tăng cao (11,6%), sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào. Khách quốc tế tháng 7-2019 đã tăng trở lại, đạt hơn 1,3 triệu lượt, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt, tăng 7,9%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 145 tỷ USD, tăng 7,5%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước là 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%; tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% (cùng kỳ là 29%). Xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cả ở Trung ương và địa phương đều tăng khá cao. Cụ thể, thu NSNN ở Trung ương 7 tháng đạt 58,4% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Thu địa phương cũng đạt kết quả khá tốt khi có 45/63 địa phương có số thu cao hơn 58% so với dự toán. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã mua được 9,1 tỷ USD để dự trữ ngoại hối. Đặc biệt, từ ngày hôm qua (1-8), 4 ngân hàng lớn nhất của Việt Nam đồng loạt hạ lãi suất, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu vừa được công bố hôm qua, Chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 7 tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm). Ước tính dựa vào PMI cho thấy, sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số vào quý III-2019.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng 6,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng 6,6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,7%. Chỉ số phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai ở ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN.
Cùng với các thành tựu về kinh tế, trong 7 tháng qua, công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ phát sinh thiếu đói giáp hạt giảm gần 32% so với cùng kỳ.
Nhiều rủi ro từ thị trường quốc tế
Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình KT-XH vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức như nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa và trồng rừng tập trung, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế. Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung phân tích các rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà các tổ chức quốc tế cảnh báo như sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và nền kinh tế các nước lớn, rủi ro địa chính trị, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc. Những rủi ro này có tác động đối với thương mại, đầu tư và áp lực lạm phát của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2019 này sẽ có thể sụt giảm mức tăng trưởng đến 0,9% so với dự báo trước đó. Nhiều nước sụt giảm thương mại, xuất khẩu đến hai con số. Nền kinh tế như Singapore cũng sụt giảm xuất khẩu đến 17,3%. Do đó, nền kinh tế có độ mở như Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đến thị trường, nhất là 3 thị trường lớn: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Trong đó, thời gian qua tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đến 25%, nhưng có rất nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, cần phải có các giải pháp kịp thời, phù hợp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, hiện nay giá lúa hè-thu không được cao như mong muốn. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ mua dự trữ 100.000 tấn gạo theo kế hoạch đề ra từ tháng 3 vừa để đẩy giá lúa lên.
Tháo gỡ tình trạng “không ai dám quyết”
Đặc biệt là trong thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn của tăng trưởng, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 14%. Về giải pháp cho vấn đề này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần có một nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc, trong đó cần những cơ chế đặc thù như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh ngoại tệ… trong một số dự án trọng điểm, ví như dự án năng lượng trọng điểm. “Nếu Chính phủ chưa quyết được vấn đề vướng mắc liên quan thì phải đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không thì không ai dám làm”. Cũng theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để đơn giản hóa thủ tục thì dự án nào đã nằm trong quy hoạch rồi thì không phải thực hiện xin chủ trương đầu tư nữa.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm hoàn thành tất cả chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%; kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Về tâm lý sợ rủi ro của người ra quyết định phê duyệt, Thủ tướng chỉ rõ cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ khi nhà đầu tư và DN phải chờ đợi, trong khi người có quyền quyết định không dám ký. Tình trạng này đang làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế. “Những sai phạm trong quá khứ cần tiếp tục được xử lý quyết liệt nhưng việc đến tay thì phải làm để thúc đẩy phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để giải quyết các vướng mắc hiện nay, thúc đẩy tiến độ các dự án, Thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Cần đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách. Cần rà soát lại các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở. Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 của Thủ tướng về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng lưu ý phải bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, đưa ra giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ hiệu lực và tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định: CPTPP, EVFTA…; tập trung phát triển thị trường trong nước. Tập trung khuyến khích việc đẩy mạnh sự phát triển của thị trường trái phiếu DN, nâng tầm quan trọng của kênh này để bổ sung cho kênh tín dụng ngân hàng. Để chủ động ngăn chặn các rủi ro từ sự trừng phạt thương mại của quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, trong đó có hành vi lợi dụng gắn nhãn “Made in Việt Nam” mà không phải hàng Việt Nam.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời về điều kiện của DN được tham gia đấu thầu để làm dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Theo đó, đơn vị tham gia đấu thầu phải có vốn chủ sở hữu bảo đảm 20% tổng mức đầu tư. Hiện nay, dự án đang ở mức đánh giá, sơ tuyển trước khi tổ chức đấu thầu để chính thức lựa chọn nhà thầu. Bộ Giao thông vận tải sẽ bảo đảm lộ trình đấu thầu phù hợp với quy định của pháp luật. Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, quan tâm tới dự án này có cả DN trong nước và quốc tế. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu thực sự có năng lực.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng đã trả lời về quá trình xác minh làm rõ vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập hàng nước khác gắn mác Việt Nam. Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, hiện vụ việc đang được giao cho nhiều bộ, ngành chức năng làm rõ. Qua xác minh thông tin ban đầu của Bộ Tài chính, có 28 DN xuất nhập khẩu có liên quan đến Asanzo. Hiện bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra hoạt động của 28 DN này. Bộ Tài chính cũng đang yêu cầu cơ quan thuế cung cấp các giao dịch liên quan đến Asanzo.
(Theo QĐND)