Bản đồ tự in không thể hiện chủ quyền, TQ vẫn “tự tin” tuyên bố tranh chấp với nước láng giềng
Theo nhận định của một số chuyên gia, tuyên bố tranh chấp đất với Bhutan không hoàn toàn vì lí do lãnh thổ mà do Trung Quốc có một nguyên nhân khác.
Vùng đất “tranh chấp”
Ngày 29/6 vừa qua, Trung Quốc đã phản đối đơn đề xuất xin đầu tư của Bhutan đối với Khu bảo tồn Hoang dã Sakteng tại Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Trung Quốc cho rằng khu vực này – rộng 650km2, nằm ở quận Trashigang, miền đông Bhutan – là “vùng đất tranh chấp”. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc nói: “Đã có những tranh chấp quanh vùng miền đông, vùng trung tâm và vùng phía tây Bhutan trong một khoảng thời gian dài”.
Tuyên bố của Trung Quốc đã khiến người dân Bhutan bất ngờ và phản đối quyết liệt. Theo một số bình luận viên chính trị tại Bhutan, tuyên bố từ Trung Quốc là một cú sốc đối với chính quyền Bhutan. Hai quốc gia đã đối thoại về biên giới từ năm 1984 tới nay và Trung Quốc chưa bao giờ đề cập tới vùng miền đông Bhutan cũng như đòi hỏi chủ quyền ở khu vực này.
Ngày 8/7, Đại sứ quán của Bhutan tại New Delhi nói: “Chúng tôi đã có 24 vòng đàm phán ở cấp bộ trưởng về vấn đề biên giới, vòng đối thoại thứ 25 hiện đang bị trì hoãn do COVID-19. Tất cả các vấn đề tranh chấp sẽ được giải quyết trong vòng đàm phán tới, ngay khi điều kiện tổ chức phù hợp cho đôi bên”.
Biên tập viên của báo The Bhutanese, ông Tenzing Lamsang, viết trên Twitter rằng thậm chí các bản đồ của Trung Quốc còn thể hiện rằng khu bảo tồn nói trên thuộc chủ quyền của Bhutan.
Ông cho biết: “Bản đồ Trung Quốc năm 1977 cho thấy Skateng nằm sâu trong Bhutan trong khi thể hiện rằng Arunachal Preadesh (khu tranh chấp với Ấn Độ) thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ngoài bản đồ này, còn nhiều bản đồ mới xuất bản trong những năm gần đây cũng được in như vậy. Tôi chưa bao giờ nghe thấy một quốc gia nào tự mâu thuẫn với bản đồ nước họ sản xuất trong hàng chục thập kỉ như vậy”.
Mỹ cũng tham gia vào cuộc tranh cãi này. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho rằng mâu thuẫn Trung Quốc – Bhutan chỉ là một phần trong “hàng loạt những tranh chấp biên giới phức tạp”.
“Không có mấy nước láng giềng có thể nói rằng họ biết đâu là giới hạn chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc có tôn trọng chủ quyền các nước láng giềng hay không. Đây là điều đang xảy ra với người dân Bhutan,” ông Pompeo nói tại buổi họp báo.
Mục đích của Trung Quốc
Bhutan có mối quan hệ mật thiết với Ấn Độ nhưng cũng giữ quan hệ ổn định với Trung Quốc. Bhutan không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh mặc dù hai bên đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán để thiết lập quan hệ.
Tới năm 2007, Ấn Độ vẫn giám sát quan hệ của Bhutan với các nước khác. Điều này đã thay đổi sau khi hai quốc gia sửa đổi hiệp ước hữu nghị, cho phép Bhutan có toàn quyền tự do để kết nối và thiết lập quan hệ đối ngoại với các nước khác.
Một số chuyên gia Ấn Độ tin rằng đòi hỏi của Trung Quốc đối với khu bảo tồn hoang dã của Bhutan là nhằm vào Ấn Độ bởi khu vực này cũng gần với bang Arunachal Pradesh.
Dorji Penjore, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Hạnh phúc của Bhutan, viết trong bài nghiên cứu có tiêu đề “An ninh của Bhutan: Bước đi Giữa Những Kẻ khổng lồ” một nhận định rằng: “Mâu thuẫn Trung Quốc-Bhutan không hẳn là cạnh tranh vì lãnh thổ mà là vì Trung Quốc muốn trừng phạt Bhutan do nước này là đồng minh thân cận với đối thủ lớn của Trung Quốc trong khu vực: Ấn Độ.”
Rabilal Dhakal, một giáo viên tại Đại học Hoàng gia Thimphu, cũng đồng tình với nhận định này. Ông nói: “Trung Quốc luôn gặp rắc rối với sự hiện diện của quân đội Ấn Độ ở trong lãnh thổ Bhutan hoặc ở khu biên giới Bhutan – Trung Quốc. Chúng ta gặp rắc rối với Trung Quốc chỉ bởi vì Ấn Độ có hiềm khích với Trung Quốc. Nếu mối quan hệ Trung-Ấn cải thiện, chúng ta sẽ không còn gặp rắc rối nào với Trung Quốc nữa”.
Ngọc Minh/TQ