+
Aa
-
like
comment

Dữ liệu là tài nguyên, dứt điểm phải được lưu trữ, xử lý tại Việt Nam

An Diễm - 10/10/2022 05:01

Công nghệ ngày càng phát triển, internet cùng các ứng dụng mạng xã hội mang đến cho người dùng ngày càng nhiều tiện ích. Nhân loại bước vào kỷ nguyên sống “online”, khi người ta dành ngày càng nhiều thời gian để chia sẻ, kết nối, giao lưu. Điều này đòi hỏi chính quyền nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải nhanh chóng ban hành các chính sách, bộ luật để điều chỉnh các hành vi trên mạng, cũng như lưu trữ, bảo vệ thông tin dữ liệu của người dùng.

Nghị định 53 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó có quy định các loại dữ liệu Internet phải được lưu trữ tại Việt Nam, chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/10/2022.

Năm 2020, nền tảng mạng xã hội Tiktok từ Trung Quốc bị rơi vào vòng xoáy điều tra với nguy cơ bị cấm cửa tại Mỹ. Nguyên nhân là giới chức Mỹ tin rằng, Tiktok lưu trữ quá nhiều dữ liệu của người dùng Mỹ và có thể chuyển về Trung Quốc, gây nguy cơ lớn với an ninh quốc gia của Mỹ. Đã có quá nhiều bê bối liên quan đến quyền dữ liệu cá nhân của người dùng ở phương Tây và Mỹ, đơn cử như 87 triệu người dùng Facebook từng bị công ty Cambridge Analytica tiếp cận và sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân, phục vụ cho các quảng cáo trong mùa bầu cử tổng thống, khiến cho an toàn dữ liệu trở thành một vấn đề nhạy cảm.

Thời điểm đó, Tiktok gần như đã phải đi đến giải pháp bán hoàn toàn bộ phận kinh doanh tại Mỹ cho một công ty bản địa với một yêu cầu then chốt: Toàn bộ dữ liệu người dùng Mỹ sẽ được quản lý và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu ở chính quốc gia này. Nước Mỹ sở hữu những công ty công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới, cung cấp dịch vụ cho người dùng ở nhiều quốc gia và có xu hướng lưu trữ dữ liệu tại chính Mỹ, nên bề ngoài có vẻ như họ không cần một bộ luật nào quy định về vấn đề lưu trữ dữ liệu tại Mỹ. Thế nhưng, chỉ cần có một mối đe dọa nổi lên – như trường hợp của Tiktok – thì ngay lập tức, chính quyền nước này đã đề ra giải pháp bắt buộc, dựa trên những lý do thích đáng về an ninh.

Luật về “bản địa hóa” dữ liệu, đôi khi còn gọi là “luật chủ quyền dữ liệu” không hề hiếm trên thế giới, thường quy định rằng một số loại dữ liệu nhất định được thu thập ở một quốc gia cụ thể phải được lưu trữ hoặc xử lý trong quốc gia đó. Và đây là một xu hướng không hề hiếm. Ví dụ, ở cấp tỉnh của Canada, luật pháp ở British Columbia và Nova Scotia quy định rằng thông tin cá nhân do một số tổ chức công nắm giữ phải được lưu trữ và truy cập độc quyền trong phạm vi Canada, với một vài ngoại lệ. Chính phủ Indonesia yêu cầu các tổ chức cung cấp “dịch vụ công cộng” – một thuật ngữ có thể được hiểu theo nghĩa rộng – duy trì các trung tâm khắc phục hậu quả thiên tai ở Indonesia. Nigeria yêu cầu tất cả dữ liệu của chính phủ phải được lưu trữ trong nước.

Đạo luật “Hồ sơ Sức khỏe Điện tử được Kiểm soát Cá nhân” của Australia nghiêm cấm việc chuyển hoặc xử lý dữ liệu y tế bên ngoài Australia trong một số tình huống. Về cơ bản, điều đó có nghĩa các công ty đa quốc gia xử lý loại dữ liệu này phải xây dựng trung tâm dữ liệu bên trong Australia hoặc sắp xếp cho các tổ chức của Australia xử lý dữ liệu.

Luật lưu trữ dữ liệu của Đức điều chỉnh năm 2015 buộc các công ty viễn thông phải lưu trữ siêu dữ liệu cục bộ ở Đức, thay vì bất kỳ nơi nào khác – ngay cả ở Liên minh châu Âu. Các nước như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc thì còn khắt khe hơn nhiều trong vấn đề này. Ví dụ, Ấn Độ quy định “toàn bộ dữ liệu liên quan đến hệ thống thanh toán do các công ty vận hành chỉ được lưu trữ trong một hệ thống ở Ấn Độ”.

Cùng với việc ban hành Luật An ninh mạng, Chính phủ Việt Nam cũng đã sớm nhìn nhận ra được tầm quan trọng của dữ liệu người dùng. Thử tưởng tượng một công ty nào đó nắm trong tay toàn bộ dữ liệu từ người dùng Việt Nam như thói quen, sở thích, đi lại, quan điểm xã hội chính trị… thì họ có thể thao túng thông tin, do thám địa hình, đưa ra các quan điểm sai lệch, tạo ra các sản phẩm gây hại cho cộng đồng.

Việc yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam cũng giúp người dùng được bảo vệ tốt hơn trước các nguy cơ có hại, điều chỉnh các hành vi tiêu cực và bảo tồn bản sắc văn hóa, chủ quyền trên không gian số. Trong bối cảnh thế giới ngày càng chia rẽ như hiện nay, Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển vững mạnh, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, và việc làm chủ không gian mạng, giữ vững “chủ quyền” càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thông tin của người Việt Nam là của Việt Nam và dứt điểm phải do chính tay người Việt Nam nắm giữ, như nắm giữ vận mệnh của chính mình.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều