+
Aa
-
like
comment

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Thu nộp ngân sách 243 tỷ 367 triệu đồng

01/02/2022 15:50

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã luôn xác định công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm theo đúng chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành Trung ương, UBND Thành phố.

Nhiều vụ gian lận được cơ quan chức năng phanh phui trong tháng 1-2022

Xác định là nhiệm vụ trọng tâm, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác thanh ra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm…góp phần ổn định thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng hóa phòng chống dịch; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng vi phạm pháp luật trong thời điểm dịch bệnh, và nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2022.

Theo báo cáo Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 1 và triển khai nhệm vụ tháng 2 năm 2022 cho thấy, trong tháng 1 các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 2.896 vụ, xử lý 2.513 vụ, khởi tố 23 vụ đối với 32 đối tượng. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước 243 tỷ 367 triệu đồng.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành văn bản số 61/QLTTHN-NVTH ngày 20/01/2022 về kiểm tra, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài; văn bản số 40/QLTTHN-NVTH ngày 13/01/2022 về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã…

Đồng thời, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, trong đó tập trung kiểm tra chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…

Kết quả, trong tháng, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 481 vụ, xử lý 389 vụ. Phạt hành chính 4 tỷ 223 triệu đồng. Tổng trị giá hàng vi phạm 5 tỷ 774 triệu đồng.

Trong tháng 1-2022, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thu nộp ngân sách 243 tỷ 367 triệu đồng

Trong đó, lực lượng Hải quan thực hiện công tác tuần tra, nắm bắt tình hình tại các địa bàn của hải quan; tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 74 vụ, phạt hành chính 622 triệu đồng. Truy thu thuế 231 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 17 tỷ 845 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã chủ động phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.

Nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng lậu. Trong tháng, Công an Thành phố đã kiểm tra 614 vụ, xử lý: 437 vụ, phạt hành chính 2 tỷ 502 triệu đồng, truy thu thuế 44 tỷ 255 triệu đồng. Khởi tố 23 vụ đối với 32 đối tượng. Trị giá hàng vi phạm: 6 tỷ 305 triệu đồng.

 

Nhiều đối tượng đã bị phanh phui

Bước sang tháng 2, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, nhất là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đồng thời, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.

Đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm SHTT, hàng kém chất lượng trên địa bàn Thành phố.

Kết hợp kiểm tra và tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan truyền hình, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và ATTP.

Bắt giữ 1330 vụ vận chuyển thuốc lá lậu trong năm 2021

Theo thống kê của Hiệp Hội thuốc lá Việt Nam, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá trong năm 2021 cũng đạt kết quả rất tích cực: Các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 1.330 vụ; đã tiêu hủy được gần 6,6 triệu bao thuốc lá lậu, tăng 29% so cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Để ngăn chặn kịp thời và khống chế sự lây lan của dịch bệnh, các địa phương đã tổ chức quản lý chặt chẽ các tuyến đường biên giới trên đất liền và trên biển. Do đó, việc vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu qua đường biên giới, đặc biệt tại các tỉnh biên giới Tây Nam giảm rõ rệt, góp phần giảm đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Nguồn cung khan hiếm đẩy giá thuốc lá nhập lậu tăng rất cao, có thời điểm tăng gấp đôi (lên mức 25.000 38.000 đồng/bao).

Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất, lấp chỗ trống thị phần do thuốc lá lậu sụt giảm. Trong năm 2021, sản lượng thuốc lá điếu nội tiêu đã tăng 10% so cùng kỳ năm trước, đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp tăng 8,9% (tương đương với 1.650 tỷ đồng).

Hương Anh

Bài mới
Đọc nhiều