+
Aa
-
like
comment

Bản chất đằng sau việc vu khống Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo

Bảo An - 03/08/2020 18:38

Xuyên tạc tự do tôn giáo tại Việt Nam là một trong những con đường đang được các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị tích cực sử dụng hòng tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đây là một thủ đoạn không hề mới nhưng tính chất nguy hiểm thì vẫn chưa bao giờ suy giảm.

Các đối tượng lại xuyên tạc tình hình tôn giáo

Gần đây, RFA – một trang báo có nội dung Tiếng Việt, thường xuyên đăng tải các bài viết, trích dẫn, phát ngôn thiếu thiện cảm, thậm chí là thù hằn với Việt Nam – đăng tải bài viết với tiêu đề “Luật Tôn giáo của Việt Nam vi phạm Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền”. Theo nội dung bài viết, tác giả trích dẫn ý kiến của Anurima Bhargava, Phó Chủ tịch USCIRF, phát biểu tại cái gọi là Hội luận về “Quyền tự do tôn giáo và các quyền của người bản địa tại Việt Nam” cho rằng: Luật Tôn giáo – tín ngưỡng mà Việt Nam ban hành với những điều khoản đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải đăng ký là những đòi hỏi không cần thiết và làm hạn chế quyền hành đạo. Ngoài ra, trong bài viết, tác giả cũng đưa ra những ý kiến của Linh mục Nguyễn Thái Hợp, Hòa thượng Thích Thiện Minh với những thông tin, lập luận xuyên tạc, lệch lạc, sai trái về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.

Tự do tôn giáo là quyền của mỗi người dân Việt Nam

Nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng và hợp pháp của mỗi người dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Thực tế cho thấy đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam là vô cùng phong phú. Tại Việt Nam, các tôn giáo tồn tại đan xen, có sự giao hòa với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những giáo dân, chức sắc sống tốt đời đẹp đạo, có đóng góp tích cực cho đời sống xã hội thì vẫn tồn tại một số chức sắc, giáo dân lợi dụng vỏ bọc tôn giáo, lợi dụng những ràng buộc về giáo lý, giáo luật, lợi dụng việc sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền những nội dung chống phá, phản động, lệch lạc và kích động người dân đối đầu chống phá chính quyền. Chính điều này đã tạo nên một sự méo mó, dị dạng trong đời sống tôn giáo.

Cùng với các đối tượng chống đối núp bóng tôn giáo, một số cá nhân, tổ chức bên ngoài liên tục tung ra những thông tin, bảng xếp hạng, bảng báo cáo, bảng phúc trình và những yêu sách lệch lạc đối với chính sách tôn giáo tại Việt Nam. Hành động của những cá nhân, tổ chức này gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng đến đời sống tôn giáo của người dân Việt Nam.

Trong số các tổ chức có hoạt động xuyên tạc tình hình tôn giáo tại Việt Nam, USCIRF – Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ – là tổ chức liên tục tung ra những nhận xét hoặc kết luận sai lệch, mơ hồ về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những dẫn chứng, luận cứ được sử dụng để đưa ra những nhận định, đánh giá về tình hình tôn giáo tại Việt Nam hầu hết đều được thu thập từ những nguồn không khách quan, phiến diện, một chiều, do các đối tượng chống đối núp bóng tôn giáo cung cấp. Và cũng chính bởi vậy, việc Anurima Bhargava, Phó Chủ tịch USCIRF, đưa ra những nhận định lệch lạc về tình hình tôn giáo tại Việt Nam như trên cũng không phải là điều quá khó hiểu.

Bản chất đằng sau việc vu khống Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo

Theo lập luận được các đối tượng rêu rao, việc Việt Nam quy định các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động tại Việt Nam là vi phạm quyền tự do tôn giáo và không cần thiết. Đây là một lập luận phiến diện, lệch lạc. Tôn giáo là đời sống tinh thần của người dân, vì vậy Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo mọi điều kiện để người dân sinh hoạt tôn giáo. Mọi tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ, được tự do hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuyệt nhiên không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị chính quyền ngăn cấm.

Việc quy định các tổ chức tôn giáo trước khi hoạt động phải đăng ký là phù hợp với tình hình thực tế nhằm ngăn chặn những hoạt động “tà đạo”, lợi dụng tôn giáo để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Không khó để có thể thấy, thời gian qua, một số cái tự xưng là “tôn giáo” như “Hội Thánh đức chúa trời”, Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam, Thanh Hải Vô Thượng sư, Pháp Luân Công, Canh tân đặc sủng, Đạo Tràng Hương Quảng, Pháp môn Di Lặc, Bửu Tòa Tam giáo v.v… manh nha xuất hiện, hoạt động lén lút với những giáo điều lệch lạc, mang tính mê tín, dị đoan khi hoạt động đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Gần đây nhất, ngày 3/7, sau 1 tuần nghị án, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên án đối với các đối tượng trong vụ án giết người và đổ bê tông giấu xác xảy ra tại Bình Dương năm 2019. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phát sinh trong quá trình các đối tượng “tu luyện” đạo lạ. Qua những lời khai của các bị cáo, chúng ta không khỏi “lạnh sống lưng” trước những sự cuồng tín, nhận thức lệch lạc, thậm chí là “tâm thần” khi tu luyện “tà đạo”.

Bản chất của các đối tượng khi đưa ra lập luận như trên là tạo điều kiện cho các hội, nhóm tự do sản sinh và hoạt động. Không khó để thấy, nhiều tổ chức phản động đã núp danh dưới hoạt động tôn giáo để tập hợp, huấn luyện hòng tạo ra lực lượng, đảng phái đối lập trong xã hội. Chính vì vậy, các đối tượng cố tình xuyên tạc vấn đề tự do tôn giáo, đòi hoạt động tôn giáo nhưng không cần đăng ký.

Tự do tôn giáo là quyền của mọi người. Tuy nhiên, không thể có thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền. Chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia là những giá trị thiêng liêng và cao cả nhất không gì có thể đánh đổi.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều