+
Aa
-
like
comment

Bản chất của việc xuyên tạc các quyết sách của Quốc hội

Hồng ĐInh - 02/12/2019 16:58

Mục đích chống phá Đảng ta của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở các thời kỳ không thay đổi. Nhất là vào những dịp Quốc hội họp thì như “ trò cũ soạn lại”, các luận điệu xuyên tạc về Quốc hội của dân lại được các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Cứ đến dịp Quốc hội họp, đâu đó lại xuất hiện một vài giọng điệu đả kích, cho rằng: “Quốc hội Việt Nam chỉ quyết định theo chỉ đạo của Đảng, là cơ quan thảo luận cho vui và chỉ mang tính hình thức”. Những giọng điệu này hoàn toàn lạc lõng trước sự tín nhiệm ngày càng cao của cử tri, nhân dân dành cho Quốc hội Việt Nam-một cơ quan liên tục tự đổi mới, cải tiến cách thức làm việc nhằm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả làm việc và thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.

Quốc hội họp phiên thường kỳ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc
Một trong những lập luận của những người đả kích là “các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều được tiến hành trên cơ sở Đảng cử, dân bầu nên không có tự do ứng cử”, rồi “khi bầu cử thì vận động, ép buộc bầu người này, người kia, như thế là không dân chủ”.

Họ cho rằng đây là Quốc hội của Đảng chứ không phải của nhân dân vì có tới hơn 90% đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thể chế bầu cử của Việt Nam là “Đảng chọn dân bầu”… Vậy vì sao các thế lực thù địch, những người tự gọi là “người bất đồng chính kiến” lại tung ra những luận điệu đó?

Xuyên suốt các Hiến pháp của Việt Nam từ Hiến pháp 1946-Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến Hiến pháp 2013 của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều quy định: Đại biểu Quốc hội được bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Theo Hiến pháp cũng như quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND), mọi công dân Việt Nam nếu thấy mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND đều có quyền tự ứng cử. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế cũng có quyền giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Điều 69, Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Về quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước là “có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Khoản 3, Điều 2-Chế độ chính trị).

Hiến pháp 2013 quy định về bầu cử như sau: Việc bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước.

Lập luận thứ hai mà những người đả kích Quốc hội Việt Nam đưa ra là “Quốc hội Việt Nam chỉ thảo luận, thông qua những nội dung theo quyết định của Đảng, việc thảo luận chỉ để “cho vui”, mang tính hình thức”. Luận điệu cũ rích này khó có thể thuyết phục được những người quan tâm, theo dõi hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Về nội dung, pháp luật Việt Nam ngày nay không thể “sao chép” theo tư duy cũ mà phải bảo đảm đúng với quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước và tinh thần Hiến pháp 2013, trong đó bảo đảm các nguyên tắc:

Pháp luật là tối thượng; kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thực tế xã hội-tâm tư nguyện vọng của nhân dân và bảo đảm quyền con người.

Hoạt động lập pháp ngày nay cũng phải kịp thời thể chế hóa nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Mọi vấn đề đưa ra nghị trường đều được Quốc hội thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, thẳng thắn. Những nội dung không thuộc bí mật quốc gia đều được công bố công khai, minh bạch cả về tài liệu lẫn các ý kiến thảo luận. Thậm chí, những phiên họp liên quan tới các vấn đề lớn của đất nước, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, việc cải tiến hình thức “hỏi nhanh – đáp gọn” đã tăng cường tính đối thoại, tranh luận trên nghị trường. Số lượt đại biểu chất vấn và tranh luận cũng như số lượng thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019 vào chiều 21/1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những đổi mới của các cơ quan thông tấn báo chí trong thông tin về hoạt động Quốc hội.

Theo bà, nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục có thể nhận thấy báo chí đưa tin đầy đặn hơn, bám sát hơn hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội. Cách chuyển tải thông tin cũng phong phú, đa dạng, sáng tạo hơn…

“Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sở dĩ các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội tập trung công kích Quốc hội Việt Nam thật không có gì khó hiểu.

Đây là thủ đoạn nằm trong chiến lược chống phá Việt Nam toàn diện-từ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đến toàn bộ hệ thống chính trị các cấp.

Bên cạnh việc gia tăng chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, thời gian gần đây, một số kẻ cơ hội, thù địch đã rắp tâm xuyên tạc những nội dung được thảo luận, chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội. Chính vì vậy, mọi người cần hiểu đúng, hiểu rõ những nội dung chính thống được Quốc hội thảo luận và công khai, tránh bị rơi vào những suy diễn vô căn cứ như một số bài viết đã nêu.

Bài mới
Đọc nhiều