+
Aa
-
like
comment

Bản chất của những kẻ lợi dụng tôn giáo

Bảo An - 06/07/2020 17:17

Có thể khẳng định, tôn giáo đang là một mảnh đất màu mỡ được nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Bản chất tôn giáo là tốt, vậy nhưng một số kẻ với bàn tay ma quỷ đã bôi bẩn tôn giáo, biến tôn giáo trở thành công cụ phục vụ những mục đích ích kỷ cá nhân.

Hình ảnh Bài viết có nội dung lệch lạc của Đỗ Ngà đang được rêu rao

Gần đây, Đỗ Ngà – tay viết chuyên nghiệp trong giới “dân chủ” – đưa ra chuỗi bài viết có nội dung xuyên tạc tình hình tôn giáo và bản chất của tôn giáo tại Việt Nam. Dưới tiêu đề “Tôn giáo – chính trị”, Đỗ Ngà đã đưa ra những quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận lệch lạc, phiến diện, xuyên tạc về vấn đề tôn giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, suy nghĩ của những người tiếp cận.

Bản chất của những kẻ lợi dụng tôn giáo

Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Theo một số nghiên cứu, tôn giáo trong tiếng anh là “religion”, nó bắt nguồn từ thuật ngữ “legere” (Tiếng Latinh) có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên. Một cách đơn giản nhất, có thể thấy tôn giáo là thế giới niềm tin của con người vào những sức mạnh siêu nhiên, là chỗ dựa về mặt tinh thần của con người. Xác định tôn giáo là một nhu cầu chính đáng của người dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mỗi người.

Tuy nhiên, không khó để nhận thấy nhiều đối tượng chống đối, phản động, cơ hội chính trị lại đang sử dụng tôn giáo như một công cụ phục vụ cho hoạt động chống phá chính quyền. Lợi dụng những ràng buộc về giáo lý, giáo luật và niềm tin (thậm chí có không ít người cuồng tín) của các tín đồ, các đối tượng chống đối đã lồng ghép, gieo rắc những quan điểm, suy nghĩ, nhìn nhận phiến diện, sai trái về tôn giáo; đặc biệt, các đối tượng cổ súy cho tư tưởng tôn giáo vượt lên cả chủ quyền, kích động niềm tin tôn giáo ích kỷ, hẹp hòi, từ đó phá vỡ khối đoàn kết dân tộc.

Gần đây, loạt bài viết với tiêu đề “tôn giáo – chính trị” được Đỗ Ngà tung ra, sau đó được không ít các trang website, facebook của các cá nhân, tổ chức chống đối dẫn lại. Vẫn như thường lệ, nội dung bài viết là một chuỗi các thông tin lệch lạc, phiến diện, chủ quan được đưa ra. Cái đích mà đối tượng này hướng đến là vu khống tại Việt Nam không có tự do tôn giáo; cho rằng tại Việt Nam tôn giáo đang bị chính trị cai trị. Sau hàng loạt thông tin được phân tích, bình luận, Đỗ Ngà thẳng thừng chốt lại bằng luận điểm “Và với Việt Nam, cần phải loại bỏ CS để tiến đến một nền chính trị tử tế”. À, hòa ra đằng sau những lập luận dài dằng dặc cái đích cuối cùng cũng chỉ là nhằm chống đối với chế độ cộng sản, với nhà nước Việt Nam.

Không khó để nhận thấy một sự thù hằn với chế độ cộng sản tồn tại trong con người Đỗ Ngà. Mọi sự khách quan đều bị bóng ma thù hằn bao phủ; mọi thông tin đều bị bóp méo, biến tướng nguệch ngoạc.

Tôn giáo tại Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng. Quyền tự do tôn giáo là một quyền chính đáng, được quy định trong Hiến pháp – văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của Việt Nam. Nghiên cứu về lịch sử tôn giáo tại Việt Nam, có thể thấy một đặc điểm nổi bật là tôn giáo không tách rời tính dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đa tín ngưỡng; tôn giáo, tín ngưỡng là một phần của lịch sử dân tộc, văn hóa và đạo đức và hơn thế, là thực thể xã hội có khả năng cố gắn kết cộng đồng và ổn định trật tự, an toàn xã hội… Dù Việt Nam đa tôn giáo, đa tính ngưỡng nhưng các tín ngưỡng, tôn giáo có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, không kỳ thị, tranh chấp và xung đột. Hiện nay, tôn giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc.

Không thể tồn tại thứ tôn giáo hẹp hòi, ích kỷ

Một trong những luận điệu được các đối tượng chống đối đưa ra là đòi tách tôn giáo ra khỏi đời sống chính trị, đưa yêu sách đòi tôn giáo vượt lên phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Cần phải hiểu rõ, tôn giáo là một thực thể trong đời sống xã hội, gắn liền với các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa của một đất nước.

Tại Việt Nam, dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, dù theo tôn giáo này hay theo tôn giáo kia thì trước hết, mỗi người đều là công dân Việt Nam, có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người trong xã hội.

Luận điệu đòi tách tôn giáo ra khỏi chính trị; cổ súy tư tưởng tôn giáo ích kỷ, hẹp hòi; rêu rao quan điểm tôn giáo độc lập một cách tuyệt đối trong đời sống xã hội, cho rằng chỉ cần tuân theo giáo luật và không phải tuân thủ pháp luật là những luận điệu sai trái, lệch lạc, đi ngược lại bản chất của tôn giáo.

Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mỗi người dân. Tuy nhiên, không thể tồn tại một thứ tôn giáo cao hơn chủ quyền dân tộc. Mỗi người cần hiểu đúng, đủ vị trí, vai trò của tôn giáo, sống một cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều