Bản chất của cái gọi là giải “Nobel nhân quyền” và “tự do truyền thông Anh – Canada”

Các tổ chức chống phá gần đây thi nhau chia sẻ thông tin đối tượng Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng nhân quyền Martin Ennals và Giải thưởng tự do truyền thông của Anh, Canada. Họ cho rằng việc này thể hiện sự ủng hộ của quốc tế với các hành vi phá hoại của Đoan Trang. Nhưng bản chất thật sự của 2 giải thưởng này mới là câu chuyện đáng bàn ở đây.

Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals được thành lập năm 1993 bởi các tổ chức như: Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI), Liên đoàn quốc tế nhân quyền (FIDH), Bảo vệ người bảo vệ nhân quyền (FLD), Hệ thống tài liệu và thông tin nhân quyền (HURIDOCS)… Sau khi thành lập, các tổ chức này nói vống lên rằng đây là giải “Nobel” về nhân quyền để khuếch trương thanh thế. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn danh sách các “nhà sáng lập” của giải thưởng này là có thể hiểu nó sinh ra để làm gì. Bởi hoạt động nhiều năm nay của HRW, AI, FIDH, FLD, HURIDOCS… cho thấy những tổ chức này chủ yếu nấp bóng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia và chiếm tỷ lệ cao trong số người được các tổ chức này ca ngợi, bảo vệ, trao giải thưởng là người đã vi phạm pháp luật của chính đất nước họ và phải nhận án tù!

Trong khi đó, Giải thưởng tự do truyền thông của Anh, Canada ra đời từ năm 2020 và đến nay mới chỉ trao được 2 lần. Tổ chức “sáng lập” là Liên minh Tự do truyền thông cũng mới chỉ được thành lập từ năm 2019. Sự ra đời của Tổ chức này có vẻ khá tương đồng với thời điểm mà Mỹ và các nước phương Tây đưa vào áp dụng Luật nhân quyền Magnitsky nhắm mục đích chính vào các quốc gia đối địch.

Tạm bỏ qua những chi tiết trên, cần đặt câu hỏi 2 giải thưởng “danh giá” trên hoạt động theo tiêu chí nào?

 

Nếu phải nhắc tên một nhà báo nổi bật nhất thế giới tính từ năm 2019 trở lại đây thì đó chắc chắn phải là Julian Assange, nhà sáng lập của Wikileaks.

Wikileaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ của các loại tài liệu chưa công bố, nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin. Năm 2010, Tổ chức này gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Các công tố viên Mỹ và quan chức an ninh phương Tây coi Assange là “kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm với quốc gia”, cho rằng hành động của ông đe dọa tính mạng những đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ. Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange coi sáng lập viên WikiLeaks là nạn nhân của Mỹ vì vạch trần hành vi sai trái của nước này trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Assange và Wikileaks đã được trao không biết bao nhiêu giải thưởng về báo chí trên thế giới từ một số quốc gia và tổ chức độc lập trong đó có Giải thưởng GUE / NGL 2019 của châu Âu, Giải đoàn kết của Liên hiệp nhà báo Nga, giải thưởng của Australia, Kazakstan, Brazil và nhiều quốc gia khác. Thế nhưng càng được nhiều giải thưởng bao nhiêu, thì ông càng bị chính quyền Mỹ và đồng minh “đuổi cùng giết tận” bấy nhiêu. Năm 2012, ông bắt đầu phải trốn tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở Lon don và bắt đầu hành trình 7 năm trời không được bước chân ra ngoài để tránh bị bắt, khiến cho sức khỏe dần suy kiệt. Ngày 11/4/2019, sau hàng loạt sức ép thì Ecuador để mặc cho chính phủ Anh bắt ông và Julian Assange bị bỏ tù, bắt đầu phải đối mặt với các phiên tòa điều trần ở Anh về việc cho phép dẫn độ tới Mỹ.

Ngày 23/5/2019, một tòa án ở Mỹ truy tố Assange tới 17 tội danh liên quan đến tội gián điệp và nhiều tổ chức báo chí đã lên tiếng phản đối. Tờ New York Times nhận xét rằng họ và các tổ chức tin tức khác cũng từng lấy được các tài liệu tương tự như WikiLeaks mà không có sự cho phép của chính phủ và không bị vấn đề pháp lý. Hãng thông tấn AP cho biết bản cáo trạng nêu lên những lo ngại về quyền tự do truyền thông, vì việc lôi kéo và công bố thông tin tuyệt mật của Assange là công việc thường ngày của các nhà báo. Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) cho biết vụ bắt giữ Assange sẽ “tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nhà báo, người thổi còi và các nguồn báo chí khác mà Mỹ có thể muốn truy đuổi trong tương lai”. Chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc Agnes Callamard cho biết bản cáo trạng khiến ông có nguy cơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Nếu có ai đó vừa xứng đáng với giải nhà báo dũng cảm, vừa xứng đáng nhận giải nhân quyền thì đó phải là Julian Assange. Thế nhưng Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) chưa từng trao giải cho Julian Assange, Giải “Nobel” nhân quyền Martin Ennals cũng không đoái hoài. Và đương nhiên Giải thưởng tự do truyền thông của Anh, Canada mới ra mắt cũng ngó lơ ông.

Kể từ khi chính thức bị bắt, một bức ảnh của Julian Assange bị bịt mồm bằng tấm vải in hình quốc kỳ Mỹ kèm dòng chữ “Công khai sự thật không phải là tội lỗi, nhà báo này đang bị tra tấn” đã nổi bật toàn thế giới và được chia sẻ lại nhiều lần. Thế nhưng đúng ngày 10/12/2021 là Ngày nhân quyền quốc tế, thẩm phán tòa cấp cao Timothy Holroyde tại Anh ra phán quyết, chấp thuận đề nghị của Mỹ về việc dẫn độ Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, về nước này, nơi ông có nguy cơ bị ngồi tù nhiều năm vì các cáo buộc gây tranh cãi.

 

Trả lời phỏng vấn của trang mạng RFA đầu năm nay, đối tượng Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí và là đại diện của Phạm Đoan Trang, hớn hở nói về ý nghĩa của giải thưởng tự do truyền thông Anh – Canada:

“Tôi tin rằng cái giải thưởng này sẽ có tác động rất là có ý nghĩa, là tại vì đây là giải thưởng của hai chính phủ, hai nước lớn trao cho một nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù. Nó rất là khác so với những giải thưởng của các tổ chức xã hội dân sự, của các tổ chức quốc tế. Cái sự thừa nhận (của Anh và Canada) đó, tôi tin rằng nó giúp cho rất nhiều người Việt Nam hiện nay còn đang lưỡng lự, xác quyết về cái góc nhìn của mình đối với những việc làm của nhà báo Phạm Đoan Trang hơn”.

Việc Ngoại trưởng Anh và Canada xuất hiện, phát biểu công khai trong buổi trao giải thưởng này, có vẻ hai quốc gia trên cũng thực sự muốn đánh cược rằng uy tín của họ sẽ đảm bảo sự thừa nhận to lớn cho Giải thường tự do truyền thông. Thế nhưng với các tiêu chí mù mờ, phiến diện, không trao giải cho những người xứng đáng đích thực, giải thưởng này thể hiện chỉ là một hoạt động “tự biên tự diễn” khác của các quốc gia phương Tây.

Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals cố ý lấy tên của nhà hoạt động nhân quyền người Anh Martin Ennals, cựu tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế và là người đoạt giải Nobel Hòa bình. Thế nhưng việc nước Anh và Canada cũng tự tin gắn tên mình lên “Giải thưởng tự do truyền thông” có lẽ sẽ làm thế giới phải bật cười vì thành tích tự do báo chí ở hai nước này vốn cũng chẳng tốt đẹp gì cho lắm.

Tháng 5/2019, Giáo sư Nils Melzer, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hợp quốc về Tra tấn và Các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, tố cáo các chính phủ Mỹ, Anh, Thụy Điển tra tấn tâm lý đối với Julian Assange, gây ra các chứng căng thẳng tột độ, lo lắng mãn tính và chấn thương tâm lý dữ dội. Đặc biệt, ông còn cáo buộc có một chiến dịch “truyền bá những bài tường thuật lạm dụng và cố ý xuyên tạc”. Đơn cử như tờ báo Guardian vốn từng thu lợi từ Assange và Wikileaks nhưng sau đó thực hiện các chiến dịch bôi nhọ nhằm vào nhà báo này. Tờ The Canary đặt câu hỏi liệu chính phủ Vương quốc Anh có thực hiện hiệu quả quy trình pháp lý với Assange hay không và cho rằng họ đang trượt dần theo chủ nghĩa độc tài.

Một báo cáo năm 2015 thống kê có tới 67 nhà báo bị bắt ở Anh trong vòng 5 năm từ 2011-2015. Một báo cáo khảo sát của Chính phủ năm 2021 cũng cho thấy 4/5 nhà báo Anh bị đe dọa hoặc bạo lực khi tác nghiệp và cảnh sát cũng góp phần vào việc này thông qua việc hạn chế, hành hung, bắt giữ và thậm chí có quan điểm tiêu cực về nhà báo. Năm 2021, Chính phủ Anh ban hành kế hoạch bổ sung Đạo luật Bí mật Chính thức (OSA), điều này khiến nhiều nhà báo quan ngại và cho rằng “dưới vỏ bọc an ninh, chính phủ đã chọn đưa ra một bộ luật độc đoán” gây khó khăn cho các nhà báo muốn tiết lộ các sai phạm.

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Canada là Mélanie Joly đăng tải thông điệp “hoan nghênh các hành vi của Phạm Đoan Trang về tự do báo chí” lên mạng xã hội Twitter, nhiều người dùng khác đã nhanh chóng bình luận và nhắc nhở cho bà này nhớ lại vụ việc hai phóng viên bị Cảnh sát hoàng gia Canada vô cớ bắt giữ chỉ vài tháng trước đó. Đó là Toledano – một nhà làm phim cùng Amber Bracken – một nhiếp ảnh gia, hai người này bị bắt khi họ đưa tin về một cuộc biểu tình của Người Canada bản địa chống lại việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên.

Sau vụ việc, Toledano tuyên bố: “Người Canada nên biết rằng các nhà báo ở đất nước này có thể bị bắt và bỏ tù nếu họ kể một câu chuyện mà RCMP (Cảnh sát Hoàng gia Canada) không thích”. Emma Gilchrist, tổng biên tập của tờ The Narwhal nơi Amber Bracken công tác và Brent Jolly, chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Canada (CAJ) lên án hai vụ bắt giữ này và cho rằng RCMP vi phạm quyền tự do báo chí. Cuối năm 2020, một nhà báo tên là Karl Dockstader cũng từng bị bắt giữ và phạt tù gây xôn xao dư luận Canada. Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) khi đó than thở: “Canada nên là một quốc gia kiểu mẫu về bảo vệ tự do báo chí, chứ không phải là một quốc gia mà cảnh sát cố gắng can thiệp vào việc đưa tin của các phương tiện truyền thông”

 

Tương tự như giải thưởng được gọi là “Nobel nhân quyền” Martin Ennals luôn lảng tránh các “ứng cử viên” từ phương Tây, Giải thưởng tự do truyền thông Anh – Canada cũng khiến nhiều người thắc mắc về tiêu chí và đối tượng trao giải.

Giải thưởng đầu tiên được trao cho Hiệp hội nhà báo Belarus vì “cam kết không ngừng đối với các nguyên tắc và đạo đức báo chí cũng như sự kiên trì và hy sinh trước những cuộc đàn áp có chủ đích đối với các phương tiện truyền thông ở Belarus”. Giải thưởng thứ 2 chính là giải trao cho Phạm Đoan Trang của Việt Nam nhờ “những cuốn sách về dân chủ và những bài báo về xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam. Là một người ủng hộ quyền con người và pháp quyền, bà Trang cũng viết về các vấn đề môi trường quan trọng”.

Trên trang web chính thức, Liên minh Tự do truyền thông tuyên bố: Việc thành lập Giải thưởng Tự do Truyền thông là một phần trong nỗ lực của Canada-Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy hành động quốc tế nhằm cải thiện sự an toàn của các nhà báo trên toàn thế giới”. Phải chăng họ muốn thúc đẩy điều gì đó ở Belarus và Việt Nam? Cần biết theo quan điểm của phương Tây thì Việt Nam và Belarus được cho là hai quốc gia láng giềng và thân thiện nhất của các nước Nga và Trung Quốc, hai cường quốc đối địch về mọi mặt của Mỹ và phương Tây.

Thời điểm ra đời (năm 2019) của Liên minh này cũng tương đối trùng với thời điểm mà Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky được Mỹ và các nước phương Tây ồ ạt thông qua, lấy làm “vũ khí” để hướng sang châu Á, đối đầu với Trung Quốc. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, năm 2020, một số quan chức Trung Quốc bị Mỹ và phương Tây trừng phạt vì vi phạm nhân quyền liên quan đến Hong Kong và Tân Cương. Có vẻ Luật Magnitsky hay Giải thưởng Tự do truyền thông Anh – Canada tuy khác nhau về hình thức nhưng ra đời cùng thời điểm, cùng do các chính quyền phương Tây khởi xướng (thay vì các tổ chức nhỏ lẻ), đi theo những tiêu chí mới và nhắm đến những đối tượng hoàn toàn mới.

Khi trao giải cho Hiệp hội nhà báo Belarus, Ngoại trưởng Vương quốc Anh Dominic Raab nói: “Điều quan trọng là các nhà báo, dù họ làm việc ở đâu trên thế giới, có thể chiếu sáng những gì đang diễn ra mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt hoặc trừng phạt”. Khi trao giải cho Phạm Đoan Trang, Bộ trưởng Nam Á của Anh cho rằng: “Nền dân chủ đang bị tấn công trên khắp thế giới, và những nhà báo chiếu đèn vào những góc tối đó đang phải trả một giá đắt”. Không còn nghi ngờ gì việc các quốc gia này coi “tự do báo chí” là một công cụ để thúc đẩy “dân chủ”, và các nhà báo được họ coi là các “chiến sỹ” trên mặt trận tấn công vào các nước khác.

Nhìn chung, Giải thưởng Tự do truyền thông Anh – Canada chỉ là một bước tiến mới về mặt tổ chức và chiến lược của các nước phương Tây để đẩy mạnh “vũ khí hóa” tự do báo chí và nhân quyền. Xét về lịch sử trao giải Martin Ennals cũng như giải thưởng từ các tổ chức khác như HRW, AI, FIDH, FLD, HURIDOCS và kể cả 2 giải thưởng Tự do truyền thông Anh – Canada cho thấy đối tượng nhắm đến luôn là các thành phần vi phạm pháp luật tại đất nước của họ. Trong khi đó, những người thừa tiêu chuẩn trao giải như Julian Assange thì không bao giờ có tên, và quốc gia được “nêu danh” luôn luôn nằm ngoài phương Tây. Điều này cho thấy đây không phải là những giải thưởng quốc tế, công bằng mà có sự phiến diện và áp đặt, nhằm phục vụ cho một mục tiêu chính trị mờ ám nào đó.

Người thực hiện: An Diễm

Đồ họa: M.N