Bản chất cái gọi là “đòi công lý cho Hồ Duy Hải”
Những ngày gần đây, sau khi phiên toà giám đốc thẩm Hồ Duy Hải kết thúc, nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra về phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Trong đó, không ít đối tượng cơ hội đã lợi dụng vụ việc này để tiến hành xuyên tạc, chống phá nền tư pháp của Việt Nam.
Sau khi phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao được đưa ra, nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến phán quyết đã được đưa ra. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng dân chủ mạng đã lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền xuyên tạc chống phá chính quyền. Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, thông qua nhiều luận điệu khác nhau, các đối tượng đang cố tình hướng lái thông tin theo hướng nhằm bôi nhọ nền tư pháp của Việt Nam và rêu rao luận điệu đòi “tam quyền phân lập”.
Vạch trần những thủ đoạn chống phá
Gần đây, trên nhiều trang facebook của các cá nhân và tổ chức chống đối đang kêu gọi người dân tụ tập biểu tình để “đòi công lý cho Hồ Duy Hải”. Cùng với đó, các đối tượng cũng tích cực hô hào người dân kiến nghị phản đối phán quyết của Toà án nhân dân tối cao đối với Hồ Duy Hải.
Dù không có căn cứ, cơ sở nào chắc chắn nhưng các đối tượng lại khăng khăng vu khống chính quyền đang làm oan, kết án sai đối với Hồ Duy Hải. Hài hước hơn, một số nhà dân chủ tự biến mình thành điều tra viên kiêm kiểm sát viên và thẩm phán để tiến hành cái gọi là “điều tra, làm rõ sự oan, sai của Hồ Duy Hải” và phán quyết nền tư pháp của Việt Nam không có công bằng.
Các đối tượng cố tình xoáy sâu vào những lỗi của cơ quan điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ để từ đó thổi phồng, đánh tráo thông tin. Các đối tượng vu khống các thẩm phán của TANDTC đã làm việc không khách quan; vu khống nền tư pháp của Việt Nam “không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”; đưa ra hàng loạt thông tin tiêu cực, xuyên tạc với những lời lẽ cực đoan như: “Tòa án xử vậy chúng tôi thấy có bất công, không hẳn chỉ vì số phận của Hải mà nó vì nền tư pháp nói chung của Việt Nam”, ‘cả nền tư pháp mù lòa pháp luật, mù lòa công lí” v.v…
Trên cơ sở những cái gọi là “đòi công lý cho Hồ Duy Hải”, các đối tượng một mặt ca ngợi, cổ suý nền tư bản phương Tây. Đồng thời, các đối tượng tiến hành đòi “tam quyền phân lập”, và đặc biệt là đưa ra yêu sách đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thế mới thấy, Hồ Duy Hải chỉ là một cái cớ để các đối tượng sử dụng nhằm tiến hành hướng lái chính trị.
Không thể để mắc mưu
Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài trong suốt 12 năm qua. Không phải đến hiện tại, vụ án mới nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và liên ngành tư pháp Việt Nam. Nhiều cuộc thẩm định đã được tổ chức để đánh giá chứng từ, tài liệu và bản chất vụ việc. Ngay trong kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng không có không có bất kỳ nội dung nào khẳng định việc làm oan, sai cho Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên, nhiều người lại cố tình xuyên tạc thông tin, hướng lái dư luận đi theo hướng toà án đang làm oan, sai cho Hồ Duy Hải để tạo cớ tấn công nền tư pháp của Việt Nam. Từ đó tiếp tục làm bước đệm để chĩa mũi nhọn chống phá Đảng, Nhà nước.
Cái mà các đối tượng đang hướng đến không phải là đấu tranh giành công lý cho Hồ Duy Hải như vỏ bọc được tạo dựng bên ngoài. Bản chất thực sự của các đối tượng là chống đối tiêu cực. Cái đích các đối tượng hướng đến là hạ bệ uy tín, hình ảnh của nền tư pháp, của Đảng, của Nhà nước Việt Nam; kích động nghị kị, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết dân tộc, dần dần tiến đến hướng lái chính trị.
Không phải ngẫu nhiên mà các đối tượng “nhà báo tự do”, “truyền thông lề trái” như Trương Châu Hữu Danh, Đỗ Ngà, BBC, RFA, VOA… liên tục đeo bám vụ án và đưa ra hàng chục bài viết mỗi ngày liên quan đến vụ việc; chẳng phải ngẫu nhiên mà hình ảnh của mẹ Hồ Duy Hải liên tục xuất hiện trên các trang truyền thông của các cá nhân, tổ chức chống đối nổi tiếng từ trước đến nay; cũng không phải tự nhiên mà các đối tượng lại kích động, kêu gọi mọi người tụ tập đông người, tiến hành tuần hành, biểu tình để phản đối chính quyền dưới danh nghĩa bảo vệ Hồ Duy Hải.
Thay vì đưa ra các thông tin một cách khách quan, đa chiều, các đối tượng lại cố tình đăng tải các bài viết có nội dung phiến diện, một chiều, xoáy sâu, thổi phồng vào các thiếu sót trong quá trình điều tra để từ đó quy kết, đổ lỗi và xuyên tạc bản chất nền tư pháp của Việt Nam. Hàng loạt luồng thông tin được đưa ra gây nhiễu dư luận, khiến mọi người bị hoang mang, mất hương phướng giữa biển thông tin thật – giả lẫn lộn.
Những suy diễn vô căn cứ của các đối tượng chỉ là một thủ đoạn để chống phá về mặt chính trị. Mỗi người trong xã hội trước hết cần tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật để có thể hiểu, đánh giá đúng vấn đề, bản chất vụ án, tránh tình trạng bị hướng lái, dắt mũi đi theo hướng tiêu cực, trở thành kẻ tiếp tay cho các đối tượng chống đối.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả