Bản án sơ thẩm vụ Đồng Tâm: Thượng tôn pháp luật và chính sách nhân đạo
Chiều nay 14/9, sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên tử hình 2 bị cáo: Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Bị cáo Lê Đình Doanh bị tuyên án chung thân. 3 bị cáo Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển có mức án từ 12-16 năm tù. 23 bị cáo còn lại được thay đổi tội danh từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” với mức án từ 15 tháng tù (hưởng án treo) đến 6 năm tù giam. Đây là một bản án nhân văn, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, mở cho các bị cáo một con đường để làm lại cuộc đời.
23 bị cáo được thay đổi tội danh mặc dù không có hành vi trực tiếp gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ Công an vào rạng sáng ngày 09/01 tại thôn Hoành, nhưng như đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, nhóm bị cáo (được đề nghị thay đổi tội danh) đã tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện, các loại hung khí nguy hiểm, hoạt động theo sự phân công của Lê Đình Kình và Lê Đình Công. Hành vi của nhóm bị cáo này đều đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác về tội “Giết người” như cáo trạng đã truy tố. Căn cứ theo BLHS 2015 sửa đổi, tội Giết người có mức hình phạt thấp nhất là 12 năm tù, cao nhất là tử hình. Trong khi đó, với tội Chống người thi hành công vụ mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là 6 năm tù.
Tuy nhiên, sau khi đánh giá lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và lời khai tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy, hầu hết bị cáo là nông dân bị Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu lôi kéo và kích động nhằm thực hiện những hành vi phạm pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an tại địa phương. Cũng do bị lôi kéo, kích động nên từng bị cáo đã tham gia thực hiện tội phạm ở từng giai đoạn với mức độ nhất định. Song, các bị cáo phạm tội lỗi gián tiếp nên được đề nghị áp dụng tội danh nhẹ hơn.
Do vậy, HĐXX đã vận dụng chính sách pháp luật hình sự, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo. Việc HĐXX vận dụng chính sách pháp luật, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước đối với những người phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… để chuyển tội danh nhẹ hơn cho các bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời đã thể hiện rõ chính sách nhân đạo, nhân văn của pháp luật. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Bản án đối với trường hợp của Lê Đình Doanh cũng khá đặc biệt, theo như phần luận tội của Viện kiểm sát, Doanh là kẻ đã tiếp tay cho Lê Đình Chức trong việc giết hại 3 cán bộ công an. Khi nghe Chức nói “Đưa chậu xăng lên cho tao”, Doanh đã chạy vào cửa tum lấy 01 can xăng 20 lít, sau đó, Doanh đổ một ít xăng ra chậu, rồi châm lửa. Sau khi Doanh châm lửa, Chức đã lấy gậy đẩy chậu xăng xuống hố, khiến 03 cán bộ công an hi sinh.
Đại diện VKS trước đó cũng khẳng định, hành vi của Lê Đình Doanh là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả là sự hi sinh của 3 cán bộ công an, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Bản thân Lê Đình Doanh đã có 3 tiền án về các tội khác nhau như cướp giật, tàng trữ ma túy. Tuy nhiên, gia đình Lê Đình Doanh đã có ông nội là Lê Đình Kình đã chết, bố đẻ là Lê Đình Công bị đề nghị mức tử hình, chú là Lê Đình Chức cũng bị tuyên án tử hình, em trai Lê Đình Uy cũng là bị cáo trong phiên tòa! Do vậy, xuất phát từ tinh thần nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, muốn cho bị cáo một cơ hội sống, bên cạnh đó, bị cáo Doanh sau khi bị bắt cũng là thành thật khai báo, nhận tội và cầu xin sự khoan hồng của pháp luật, căn cứ đề nghị của VKS, HĐXX đã tuyên Lê Đình Danh mức phạt tù chung thân. Đây là một đề nghị nhân văn, thấu tình đạt lý.
Hình phạt suy cho cùng không chỉ nhằm trừng phạt người phạm tội mà còn mang tính giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa tội phạm trong xã hội mà còn mở ra cho con người ta con đường phục thiện. Việc Lê Đình Danh nhận mức phạt tù chung thân thay vì tử hình theo tội danh, hay chuyển đổi tội danh đối với nhóm bị cáo cho thấy đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó có áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, tu dưỡng thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Xuất phát từ tinh thần thượng tôn pháp luật và chính sách nhân đạo chứ không phải là thắng lợi của cánh luật sư “dân chủ” như các luận điệu rêu rao.
Nguyễn Trần