+
Aa
-
like
comment

Bài trừ tham nhũng là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược!

Phạm Khoa - 27/03/2023 16:04

Quan sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng của lực lượng Công an thời gian qua, sẽ nhận ra có hai điểm nổi bật, khiến lòng dân được vỗ yên, và làm “tắt đài” những thế lực chống phá, vốn xem tham nhũng là chiêu bài quen thuộc bôi bác, hạ uy tín Việt Nam. Nổi bật thông điệp: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”.

Bộ Công an đã xử lý hơn 900 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ năm 2022

Ba năm nay, các vụ án tham nhũng, tiêu cực được bóc trần đã gây sốc cho toàn xã hội, vì xảy ra ở những lĩnh vực xưa nay ít người nghĩ tới, như: y tế, giáo dục, ngoại giao, lực lượng vũ trang. Đau xót nhất là một số vụ điển hình lại lợi dụng ngay cả hoàn cảnh sinh tử của nhân dân, của đất nước để trục lợi, bỏ túi riêng hàng trăm tỷ đồng. Những vụ việc này còn cho thấy tham nhũng xảy ra trên quy mô lớn, có tổ chức, có hệ thống, với hàng loạt liên minh ma quỷ tồn tại giữa một số nhân vật lãnh đạo, cán bộ có chức, có quyền với các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, nằm ngoài khu vực nhà nước.

Bộ Công an đã hành động rất quyết liệt khi thẳng tay đưa các doanh nghiệp bẩn liên quan đến tội đưa hối lộ, tha hóa cán bộ để ăn cắp tiền ngân sách vào vòng điều tra, khởi tố.

Ngay lúc này, nhiều vụ đại án đang trong quá trình điều tra vẫn chưa chốt sổ số bị can, khi liên tục thông tin đến nhân dân thêm nhiều đối tượng mới bị khởi tố. Nổi bật trong số đó là vụ Việt Á với 29 lệnh khởi tố vụ án, 102 bị can, số tiền kê biên, phong tỏa, nộp khắc phục hậu quả lên đến 1670 tỷ đồng; “Chuyến bay giải cứu” với 39 bị can, 80 tỷ đồng; …

Đáng chú ý là trong các đối tượng bị khởi tố đã có cả Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ, Cục trưởng, Cục phó Cục Lãnh sự, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Giám đốc CDC các địa phương…và mới đây, là Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công An Thành phố Hải Phòng…

“Trong chỉ đạo xử lý án tham nhũng, ngoài tập trung xử lý đối tượng vi phạm, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng thì một trong những vấn đề được quan tâm là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế – xã hội để kiến nghị hoàn thiện thể chế, để “không thể tham nhũng””. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã nói điều này khi tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao chiều 20/03/2023.

Từ phát biểu trên, có thể thấy các động thái sửa đổi, khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, đặc biệt đối với hai lĩnh vực giáo dục, y tế thời gian qua là có công kiến nghị của ngành Công an.

Một thời gian dài, đem các vụ án tham nhũng ra xét xử, nhưng thông tư, nghị định, pháp lệnh, các bộ luật có sơ hở, bị các đối tượng tham nhũng khai thác thì lại phải chờ rất lâu mới được quan tâm chấn chỉnh, hoàn thiện. Sự chậm trễ này gây cho xã hội nhiều tác hại khôn lường khi tiếp tục làm nảy sinh các biến tướng tham nhũng khác, tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn. Quán triệt tinh thần mới, ngành Công an đã rất nỗ lực để vừa đảm bảo an ninh trật tự xã hội, vừa làm tròn trách nhiệm đóng góp ý kiến, tham mưu cho các cơ quan chuyên trách nhằm hoàn thiện thể chế theo hướng hiệu quả, minh bạch, lấp dần các khoảng trống phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Trên thế giới, không có nhà nước nào hoàn toàn thoát khỏi nạn tham ô, tham nhũng, quan trọng là thái độ của các cơ quan lập pháp và năng lực hành động của các cơ quan hành pháp ở mỗi đất nước. Việt Nam luôn mong muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền liêm chính, phục vụ cho quyền lợi của người dân, và đã nỗ lực không ngừng vì mục tiêu đó.

Cho nên, bài trừ tham nhũng từ giờ trở đi sẽ luôn là xu thế tất yếu, không thể nào đảo ngược!

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều