+
Aa
-
like
comment

Bài toán xuất khẩu gạo và một câu chuyện cũ

26/03/2020 06:09

Với ai đó thì “làm giàu không khó”, còn với tôi, làm giàu không chỉ khó, rất khó mà còn phải biết dũng cảm bởi “thương trường là chiến trường”, cơ hội vốn không nhiều.

Bài toán xuất khẩu gạo và một câu chuyện cũ - 1

Trước hết, người viết bài này xin tự nhận, tôi không phải là doanh nghiệp, cũng không phải nhà báo chuyên viết về lĩnh vực kinh tế. Về kiến thức kinh doanh, tôi thua bà bán gạo ở chợ làng tôi rất xa.

Đã thế, tôi lại là nhà thơ (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Ông nhà thơ mà bàn về chuyện kinh doanh thì chỉ có “đổ thóc giống ra mà ăn”.

Tuy nhiên, với không khí bàn bạc sôi động về việc có xuất khẩu gạo hay không, xin mạo muội nói lên suy nghĩ của mình và nó hoàn toàn có thể sai đến… 101%.

Chuyện bắt đầu từ cuộc họp Chính phủ ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề xuất việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mục đích của việc tạm dừng xuất khẩu nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành, góp phần ổn định giá gạo trong nước trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đó là, không được để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả leo thang, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.

Sau đó, thể theo tham mưu từ các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định tạm dừng xuất khẩu theo đề xuất chính của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên ngay sau đó, chính Bộ Công Thương lại có văn bản đề nghị Chính phủ tạm dừng thi hành việc dừng xuất khẩu gạo.

Lý do, đây là đề xuất của các doanh nghiệp ở lĩnh vực này cùng ý kiến của một số chuyên gia kinh tế. Bộ Công Thương cũng cho biết, việc tạm dừng thực hiện hoãn xuất khẩu gạo để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp…

Nhân chuyện xuất khẩu hay không, tôi nhớ lại cách đây hơn chục năm (khoảng 2008), nhiều nước trong khu vực bị thiên tai đã đặt mua Việt Nam số lượng gạo rất lớn với giá cao chưa từng có.

Thế là có sự tranh cãi về việc có nên bán gạo lúc này không?

Nhiều ý kiến (trong đó có GS Võ Tòng Xuân, một “nhà nông chính hiệu”) cho rằng nên bán vì mấy khi gạo được giá như thế. Việt Nam là nước nông nghiệp, chuyên xuất khẩu gạo, lo gì thiếu nên phải tranh thủ.

Đặc biệt, GS Xuân còn phân tích với rất nhiều dữ liệu khoa học như lúa là giống cây ngắn ngày, việc canh tác của người nông dân Việt Nam đã ở trình độ cao, lượng gạo còn dư thừa và có nhiều cây lương thực thay thế… đồng thời kết luận, đây là cơ hội “vàng” cho thị trường lúa gạo Việt Nam không chỉ hiện tại mà cả tương lai.

Một số ý kiến lại lo ngại bán gạo nhỡ mất mùa, dân đói, xã hội mất ổn định…

Cuối cùng, ta đã từ chối các đơn đặt hàng với giá cao hiếm có đồng nghĩa với việc để “trượt” mất nhiều triệu USD và một số thị trường tiềm năng.

Điều xót xa hơn, khi ấy Việt Nam lại được mùa kỷ lục. Gạo rớt giá thê thảm vì các nước cần mua đã tìm được thị trường khác, số cần đã mua đủ. Người nông dân lại thêm một lần “bán vái” vì được mùa, rớt giá.

Tôi chép lại chuyện này không phải để “giá như…” mà muốn nhìn lại một kinh nghiệm đồng thời cho thấy  đây là bài toán rất khó.

Nếu ngừng xuất khẩu, an ninh lương thực sẽ được đảm bảo, song doanh nghiệp mất cơ hội và lợi nhuận và đặc biệt, phần thiệt nhất vẫn là người nông dân.

Nếu tiếp tục xuất khẩu, có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và khi đó, hậu quả sẽ khôn lường.

Về việc đề nghị xuất rồi lại đề nghị dừng của Bộ Công Thương, có ý kiến cho rằng đây là sự “bất nhất” trong điều hành của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương đã biết lắng nghe doanh nghiệp và dư luận để sửa chữa nên rất đáng ghi nhận.

Thật tình, nếu dừng thì việc đó với Bộ Công Thương “nhẹ như lông hồng” và an toàn tuyệt đối.

Nếu bán, chấp nhận 5 ăn, 5 thua. Thành chưa chắc đã được ghi công nhưng bại thì chắc chắn sẽ nhận búa rìu, “gạch đá” và có thể còn hơn thế.

Cá nhân tôi cho rằng dù đúng sai thì đây là một quyết định dũng cảm bởi Bộ Công Thương đã dám mạnh dạn thay đổi đề xuất của mình. Một điều không dễ thấy ở ta.

Với ai đó thì “làm giàu không khó”, còn với tôi, làm giàu không chỉ khó, rất khó mà còn phải biết dũng cảm bởi “thương trường là chiến trường”, cơ hội vốn không nhiều.

Có lẽ vì thế, sự thành công chỉ đến với những ai dám mạo hiểm và cả nhờ… may rủi!

Cuối cùng, tôi tin rằng rồi đây, Chính phủ sẽ có phương án tối ưu bởi có thể nói chưa bao giờ Chính phủ lại qui tụ được nhiều thành viên là các chuyên gia kinh tế giỏi như hiện nay.

Theo thông tin mới nhất, hôm qua (25/3), Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo đồng thời nhắc nhở “Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua”.

Cuối giờ chiều hôm qua (25.3), sau khi khảo sát lại, Bộ Công Thương khẳng định sẽ không bao giờ thiếu gạo và chúng ta không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ được cho xuất khẩu.

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều