+
Aa
-
like
comment

Bài toán tăng lương cho người lao động

LS Lê - 16/09/2022 16:47

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, “Bây giờ phải tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức vì chế độ lương nhà nước hiện nay rất thấp”. Tuy nhiên, để thực hiện được mong muốn này không phải là điều dễ dàng. Bởi bộ máy hành chính của Việt Nam vẫn còn đang có phần rắc rối và cồng kềnh.

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022

Tại Việt Nam, chính sách tiền lương đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, 1985, 1993 và 2003). Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương. Từ năm 2003 đến nay, nước ta đã thực hiện tăng mức lương tối thiểu chung 13 lần. Mặc dù vậy, chính sách tiền lương trong khu vực công vẫn còn phức tạp. Hệ thống bảng lương còn chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Thực tế đã chứng minh, muốn tăng lương khu vực công thì phải tác động đến cả hai đối tượng liên quan là cá nhân hưởng lương và nguồn trả lương. Do đó, muốn cải cách tiền lương, muốn có nguồn tăng lương, chỉ có hai cách. Một là “miếng bánh ngân sách to ra, hai là người hưởng miếng bánh ấy nhỏ lại”, tức là tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Theo các chuyên gia, vấn đề tạo nguồn để tăng lương cùng với tinh giản biên chế là rất quan trọng. Đây là vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm qua nhưng thực tế đem lại kết quả chưa như mong muốn khi bộ máy vẫn quá cồng kềnh, kém hiệu quả. Do vậy, việc rà soát lại lực lượng cán bộ để có phương án tinh giản biên chế cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, kết hợp với chuẩn bị nguồn lực cho công tác cải cách tiền lương là nhiệm vụ trọng yếu.

Soi chiếu vào tình hình thực tế, tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi đây là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra, đồng thời giảm hàng nghìn đơn vị cấp phòng so với năm 2015 khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện…

Tuy nhiên, quá trình tinh giản vẫn đang còn gặp nhiều bất cập bởi người cũ chưa tinh gọn hết đã phải biên chế thêm người mới do nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao vẫn đang tăng. Chính vì vậy, dự án tăng lương khu vực công vẫn chưa thể hoàn thành triệt để. Nhưng những bước tiến ban đầu đã phần nào thể hiện quyết tâm và mong muốn mạnh mẽ của Chính phủ trong việc nâng cao bộ máy hành chính và tăng quyền lợi cho lao động công.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều