+
Aa
-
like
comment

Bài toán giá điện của EVN, tính cách nào cũng lỗ?

Đỗ Mạnh - 18/08/2020 09:31

Trước sức ép của dư luận, mới đây Bộ Công thương lại đưa ra 2 phương án với 3 kịch bản giá điện 5 bậc thang và 2 kịch bản một giá điện. 

Trong đó, một giá được đề xuất ở mức 145% và 155% so với giá bình quân, còn với các bậc thang cơ bản 4 bậc đầu là đồng nhất và chỉ điều chỉnh ở bậc cuối, tương ứng là 168% (3.123 đồng/kWh), 274% (5.109 đồng/kWh) và 185% (3.455 đồng/kWh).

Dư luận lại một lần nữa nóng lên bởi không hiểu căn cứ vào đâu mà Bộ Công thương đề xuất những phương án rắc rối đến như vậy. Và một câu hỏi được đặt ra là với các phương án, kịch bản và thang bậc như đề xuất là Bộ Công thương nhằm vào mục đích gì? Hợp lý quy trình quản lý điện, sản xuất điện? hay bảo vệ lợi ích người tiêu dùng? hay bảng giá này chỉ bảo vệ lợi ích của ngành điện?

Ai cũng biết rằng điện là một loại hàng hóa đặc biệt do Nhà nước quản lý điều hành. Hiện nay Việt Nam vẫn là một đất nước thiếu điện, vì vậy mà mặt hàng điện càng trở nên đặc biệt hơn. Ở thời đại công nghệ 4.0, bất kì ngành nào, gia đình nào, cá nhân nào không thể sống mà không có điện. Điện phục vụ sinh hoạt đời sống của mỗi gia đình, điện phục vụ sản xuất, kinh doanh … tóm lại là cuộc sống hiện nay muốn phát triển thì không thể sống thiếu điện. Nhưng không phải vì lý do này mà Bộ Công thương thích áp đặt các phương án, các kịch bản và thang bậc một cách không có cơ sở.

Ai cũng biết giá thành một mặt hàng được tính  một cách  đơn giản là:

Giá thành sản xuất 1kw = Tổng giá chi phí vật liệu + chi phí quản lý/số kw sản xuất ra

Giá thành cộng với số giá trị điện năng hao hụt trong quá trình truyền tải đến các nơi tiêu thụ, cộng với các chi phí phục vụ tại các công ty bán điện + lãi xuất ngân hàng, lãi xuất dự kiến của nhà sản xuất sẽ ra giá bán điện cho người tiêu thụ. Trường hợp nhà nước phải bù lỗ thì cần minh bạch phần bù lỗ cho mỗi kw là bao nhiêu? Ngành điện là ngành được nhà nước giao cho trách nhiệm quản lý và phân phối điện phải có trách nhiệm làm rõ và báo cáo cho Chính phủ biết cấu thành giá sản xuất một kw điện thì khoản mục nào là tốn kinh phí nhất. Ví dụ như vật tư, như khấu hao, như quản lý bộ máy… Làm được rõ ràng  như thế mới đưa ra được những giải pháp hợp lý cho sản xuất và quản lý điều hành giá điện. Nếu đầu tư kém hiệu quả , gây lãng phí phải xem lại quy trình đầu tư, nếu quản lý kém phải xem lại cơ cấu tổ chức để giảm tối đa những chi phí cần thiết làm cho giá thành một kw điện sao cho phải là mức thấp nhất có thể.

Trong thời gian vừa qua, dư luận đã rất bức xúc khi biết Tập đoàn điện lực đã dùng vốn nhà nước đầu tư Viễn thông, đầu tư tài chính gây thất thoát. Liệu những thất thoát trong quản lý nhà nước về vốn tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam có được tính vào giá thành điện? Nếu không tính thì cần làm rõ những khoản lỗ do đầu tư trái ngành ai bù và bù như thế nào?

Tóm lại là mọi thứ cần được minh bạch để tính đúng, tính đủ giá thành 1 kw điện khi bán ra.

Một khi đã tính đúng, tính đủ minh bạch công khai cho dân biết (kể cả kinh phí do nhà nước bù lỗ), dư luận cho rằng khi đó sẽ không cần đến các phương án, các kịch bản, các bảng giá theo thang bậc như Bộ Công thương vừa đề xuất.

Dư luận cho rằng đã kinh doanh là phải có lãi, không có lãi thì Nhà nước có giàu đến mấy cũng không thể bù lỗ trong thời gian dài. Trong khi Nhà nước còn thiếu điện thì muốn cân đối nguồn điện để ưu tiên phát triển sản xuất thì công tác điều hành phân phối điện phải hợp lý, biết chỗ nào cần ưu tiên, chỗ nào không cần ưu tiên. Chứ đừng vì khan hiếm mà tăng giá điện một cách vô tội vạ. Đừng bắt người dùng nhiều phải trả nhiều tiền trái với quy luật thị trường hiện nay.

Thiết nghĩ Chính phủ cần sớm nghiên cứu và cho phép nhiều Công ty, Tập đoàn được tham gia sản xuất, cung cấp và phân phối điện, tạo sự cạnh tranh lành mạnh chống độc quyền như hiện nay. Sở dĩ Bộ Công thương lúng túng không tìm ra giá điện hợp lý cũng có nguyên nhân từ độc quyền sản xuất và cung cấp điện như hiện nay.

Cạnh tranh để phát triển sản xuất và chống độc quyền là điều nên làm, chỉ có sự cạnh tranh mới chống được độc quyền, khi độc quyền bị phá bỏ thì chính người tiêu dùng và Nhà nước là những người hưởng lợi. Dư luận cho rằng người tiêu dùng luôn sẵn sàng chi trả tiền điện theo giá điện một giá nhưng với một điều kiện điện một giá phải minh bạch rõ ràng và công khai để mọi người được biết cấu thành giá trên các quy định của Chính phủ cho các vật liệu cấu thành.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều